24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bạch Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Số hóa hoạt động quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước

Khảo sát 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho thấy, hiện nay mỗi doanh nghiệp sử dụng một nền tảng công nghệ khác nhau, nên rất cần thiết phải xây dựng trục liên thông văn bản điện tử, tiến tới tích hợp dữ liệu và số hóa các hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban với doanh nghiệp, theo đúng yêu cầu, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ.

Tại cuộc hội thảo “Số hoá quản lý, điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử” diễn ra chiều 9/8, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết, dù mới thành lập, song đi đôi với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp nhận chuyển giao vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì công tác ứng dụng công nghệ thông tin được Ủy ban đặc biệt quan tâm với mục tiêu rõ ràng là từng bước cắt giảm văn bản giấy, giảm thời gian gửi, nhận văn bản, xóa bỏ tình trạng “cơ quan cách nhau vài trăm mét nhưng văn bản gửi cả tuần chưa tới nơi”.

Cụ thể, CMSC đang từng bước triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng thông tin điện tử nhằm tạo ra sự kết nối, tương tác giữa Ủy ban với các doanh nghiệp và người dân.

“Phần mềm Bộ chỉ số đã thể hiện sự minh bạch trong thông tin 2 chiều và hỗ trợ nghiệp vụ giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp, thể hiện cách làm mới và tạo sự gắn kết giữa Ủy ban và các doanh nghiệp”, bà Hà khẳng định.

Được biết, Bộ chỉ số còn chia làm 4 nhóm ngành hàng quản lý đến từng doanh nghiệp với mục tiêu giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp để nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình nhân sự, tổng vốn, chi tiêu, các rủi ro về tài chính, quản trị (khả năng trả nợ, khả năng thanh toán...), ngân sách tiền lương, năng suất lao động... mà không cần đợi báo cáo từ các doanh nghiệp.

Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để Ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, hoạt động của Cổng thông tin điện tử của CMSC đang chuyển dần theo hướng đa phương tiện, cập nhật, đưa tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động của UB và doanh nghiệp, tuyên truyền đúng về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và góp phần nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp nhà nước.

Việc xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử chính là động thái tiếp nối công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của CMSC.

Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ rõ những khó khăn, như: trình tự thủ tục; việc lựa chọn công nghệ; việc kết nối liên thông, đồng bộ giữa Ủy ban với 19 doanh nghiệp trong điều kiện các doanh nghiệp có nền tảng và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau.

Là đơn vị triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia , ông Tô Dũng Thá, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, Trục liên thông là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối cơ quan nhà nước với người dân, tối ưu hoá hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động.

“VNPT cam kết sẽ ưu tiên hỗ trợ tư vấn, triển khai hạ tầng, phần mềm, xây dựng phương án vận hành Trục liên thông văn bản điện tử cho CMSC và 19 tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới”, ông Thái nói.

Trong khi đó, ông Trần Công Hòa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin của CMSC cho biết, định hướng xuyên suốt của Ủy ban là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin theo mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu thông tin giám sát và quản lý vốn nhà nước.

Với những mục tiêu quan trọng như liên thông với Chính phủ và các Bộ ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu từ đó giám sát, đánh giá doanh nghiệp, hay quản trị nội bộ chuyên ngành, hiện Ủy ban đã áp dụng mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, kết nối với doanh nghiệp thông qua hệ thống Văn bản điện tử, Phần mềm Bộ chỉ số, Hội nghị trực tuyến và Cổng thông tin điện tử.

“Nếu xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, cả Ủy ban và doanh nghiệp sẽ cùng đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị; đổi mới công nghệ, tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận; kết nối chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ trong Ủy ban cùng cần tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp khác”, ông Trần Công Hòa khẳng định.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành của doanh nghiệp và Chính phủ trong quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời, chỉ ra khó khăn trong triển khai công tác này.

“Khi triển khai thành công chuyển đổi số trong quản lý hành chính thì cả Chính phủ và khối doanh nghiệp sẽ cùng nhau đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý vốn nhà nước. Đi kèm với đó là mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin, tăng tính minh bạch. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia”, bà Đỗ Thái Hà cam kết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả