SHS ghi nhận lợi nhuận hơn 32 tỷ đồng trong 6 tháng do thị trường lao dốc mạnh trong quý II
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SHS ghi nhận 621,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế ở mức 32,2 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX:SHS) ghi nhận 621,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 32,2 tỷ đồng. Riêng mảng đầu tư của SHS ghi nhận lỗ 216 tỷ đồng, tương ứng với tỉ suất từ đầu năm là âm 6,8% trên tổng vốn đầu tư trung bình vào tài sản FVTPL là 3.176 tỷ đồng. Tỉ suất âm, thậm chí âm khá nặng trong hoạt động đầu tư là tình cảnh chung của hầu hết các quỹ và định chế tài chính từ đầu năm.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 323 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư đạt 43,4 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần cùng kỳ 2021. Mảng môi giới ghi nhận doanh thu đạt 221 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ 2021. Thanh khoản thị trường giảm rõ rệt trong quý II và chỉ số suy giảm đáng kể vì các thông tin vĩ mô tiêu cực trong và ngoài nước, khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và hạn chế giao dịch cũng như vay margin. Tại thời điểm cuối quý II, SHS ghi nhận vốn điều lệ 6.505 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 9.365 tỷ đồng, thuộc nhóm có quy mô vốn lớn hàng đầu ngành chứng khoán Việt Nam. Giá trị sổ sách trên cổ phiếu (BVPS) của SHS hiện ở mức 14.400 đồng/cp. Ngày 22/7 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền để SHS trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tổng tỉ lệ là 25%.
Riêng trong trong quý II, SHS ghi nhận mức lỗ 432 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại các khoản đầu tư niêm yết hạch toán theo FVTPL. Khoản lỗ này thực tế là các khoản giảm lãi của danh mục đầu tư dài hạn vì lợi nhuận đầu tư theo giá thị trường đã được hạch toán vào các quý trước khi chỉ số tăng cao và giá các cổ phiếu diễn biến thuận lợi. Giá thị trường hiện tại của phần lớn các khoản đầu tư vẫn cao hơn giá vốn ban đầu do SHS đã mua và nắm giữ các cổ phiếu này từ lâu.
SHS đã chủ động thu gọn danh mục tự doanh trong quý II tuy nhiên giá trị các khoản đầu tư dài hạn chủ đạo giảm mạnh như TCB (giảm 167,8 tỷ đồng), GEX (giảm 91,4 tỷ đồng), PET (giảm 112 tỷ đồng), SIP (giảm 18 tỷ đồng) làm công ty ghi nhận lỗ sau thuế 297 tỷ đồng trong quý II. Ngoại trừ mảng tự doanh sụt giảm do tác động của thị trường, các mảng kinh doanh cốt lõi khác như môi giới, tư vấn tài chính, kinh doanh nguồn vẫn diễn ra ổn định, phù hợp xu hướng của thị trường chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận