menu
"Sell in May and go away": "Quy luật" có còn lặp lại?
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

"Sell in May and go away": "Quy luật" có còn lặp lại?

Trên TTCK nếu nhà đầu tư thường xuyên thấy các thông tin tiêu cực liên quan đến "Sell in May and go away", họ sẽ có xu hướng bán ra nhiều hơn và khiến cho hiệu ứng này trở thành sự thật.

Hiệu ứng tác động tâm lý

Thuật ngữ “Sell in May and go away” là lời khuyên cho nhà đầu tư nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi rồi quay trở lại vào tháng 11. Hiệu ứng này đã có tác động rất mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước.

"Sell in May and go away": "Quy luật" có còn lặp lại?

Tháng 5/2023 đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn nhận đâu là yếu tố thuận lợi và rủi ro sẽ tác động đến thị trường chứng khoán

Theo phân tích của chúng tôi, với thị trường chứng khoán Việt Nam, các khoản đầu tư từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau vẫn luôn chiếm ưu thế tốt hơn so với giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 ở hầu hết các năm từ năm 2000 đến nay. Chỉ duy nhất có hai năm xu hướng này đảo ngược hoàn toàn, khi lợi suất chênh lệch rất lớn đó là năm 2007 và 2009.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn bối cảnh vĩ mô quốc tế cũng như trong nước có rất nhiều yếu tố biến động, đặc biệt liên quan đến câu chuyện suy thoái kinh tế, hay các gói kích cầu hỗ trợ kinh tế của Chính phủ, cũng như của Ngân hàng Nhà nước. Giai đoạn đó, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 đâu đó khoảng 40%, nghĩa là một lượng tiền tương đối lớn được bơm ra nền kinh tế và đẩy vào thị trường chứng khoán, đã khiến cho giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 của năm 2009 có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vượt trội. Ngay sau đó, khi những hiệu ứng kết thúc dần dần, bong bóng về bất động sản, chứng khoán bắt đầu có sự đổ vỡ nhất định, thì ngay lập tức thị trường từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chứng kiến sự sụt giảm tương đối mạnh.

Nếu bỏ qua giai đoạn năm 2007, 2009 có đặc điểm đặc thù, thì hầu hết những năm còn lại, các giai đoạn tháng 5 đến tháng 10 đều có sự kém tích cực hơn. Nhìn vào con số thống kê cụ thể, từ năm 2000 – 2022, lãi suất bình quân mỗi nhà đầu tư đầu tư vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 là 0,34%, trong khi đầu tư từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lãi suất là 1,03%.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, thống kê này chỉ cho thấy việc đầu tư trong giai đoạn sau tháng 11 sẽ có lợi hơn so với việc đầu tư ở giai đoạn từ tháng 5 tới 10 và không có nghĩa là chúng ta đầu tư từ tháng 5 đến tháng 10 thì thua lỗ. Bởi vì lãi suất bình quân từ tháng 5 đến tháng 10 mặc dù thấp nhưng vẫn ở mức trên 0,3%.

“Lời tiên tri tự ứng nghiệm”

Tháng 5/2023 đã bắt đầu, đây cũng là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn nhận đâu là yếu tố thuận lợi và rủi ro sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, từ đó kết hợp với yếu tố “Sell in May and go away” để đưa ra các dự báo đối với thị trường từ góc độ vĩ mô và cơ bản.

"Sell in May and go away": "Quy luật" có còn lặp lại?

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, 80% đến từ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, nên tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng

Trước hết, lý giải về việc vì sao lại tồn tại "Sell in May and go away" ở thị trường chứng khoán Việt Nam, trong có có nguyên nhân điển hình như:

Thứ nhất, xuất phát từ yếu tố vĩ mô, bối cảnh kinh tế của Việt Nam, tăng trưởng GDP cũng như các hoạt động kinh tế thường có sự sôi động hơn trong 2 quý cuối năm, đặc biệt là quý 3, quý 4. Bên cạnh đó, những thông tin về chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa cũng thường tập trung vào quý 4 hoặc sớm hơn một chút là quý 3, giúp thúc đẩy mạnh cho nền kinh tế. Vì vậy, vĩ mô tương đối trầm lắng về mặt thông tin khiến cho thị trường giai đoạn tháng 5 đến tháng 10 kém tích cực hơn so với phần còn lại của năm.
Thứ hai, đi sâu vào từng nhóm ngành, từng doanh nghiệp, cũng sẽ có câu chuyện mang tính chất đồng pha tương tự, khi các báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, hoặc các nhóm ngành công nghiệp, xuất nhập khẩu đều không mấy khả quan. Thông thường, các điểm rơi lợi nhuận và kết quả kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp này sẽ vào những quý cuối cùng của năm.
Thứ ba, là yếu tố dòng tiền, giai đoạn cuối quý 3 và quý 4, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, nguồn tiền từ ngân sách được bơm ra nền kinh tế, kết hợp với việc tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung cao điểm vào tháng cuối năm.

Cùng với đó, các hoạt động kinh tế, tăng trưởng, hoạt động của các doanh nghiệp luân chuyển vòng quay tiền sẽ diễn ra nhanh hơn, vì vậy kênh có tính chất đầu cơ như bất động sản hay kể cả chứng khoán, dòng tiền cũng có xu hướng tìm đến. Đây là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản tích cực vào thời điểm cuối năm. Yếu tố này giúp diễn biến thị trường những tháng cuối năm tương đối tích cực và hiệu ứng sẽ còn kéo dài cho đến đầu quý 1 năm sau. Vì vậy, giai đoạn từ tháng 5 trở đi, dòng tiền khá là yếu so với những tháng còn lại của năm.

Thứ tư, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tương quan rất cao đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, chỉ số VN-Index trong suốt 23 năm qua luôn tương quan và đi đồng pha với chỉ số Dow Jones trong từng khoản mục nhỏ lẫn thời gian dài hạn. Theo thống kê, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã có sự biến động rất rõ ràng giữa hai giai đoạn tháng 11 đến tháng 4 so với tháng 5 đến tháng 10 và VN-Index cũng đã có sự đồng pha nhất định.
Thứ năm, còn có yếu tố “lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Thực tế, khi bước vào tháng 4 hằng năm, các kênh thông tin thường nhắc nhiều đến hiệu ứng Sell in May and go away. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, 80% đến từ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, nên tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư thường xuyên thấy các thông tin tiêu cực, họ sẽ có xu hướng bán ra nhiều hơn và khiến cho hiệu ứng này trở thành sự thật.

Kỳ vọng gì thị trường tháng 5?

Trong năm 2023, có một số yếu tố chúng tôi cho rằng rủi ro đó là: Thứ nhất, kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp trên sàn đang được dự báo mang tính chất không tích cực, thậm chí yếu kém. Bức tranh này tương đồng với bức tranh tăng trưởng vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam quý 1/2023 đã công bố số liệu. Kết quả kinh doanh quý 1 tiêu cực ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn kém đi, từ đó tác động trực tiếp đến VN-Index.

Thứ hai, chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm của câu chuyện mà rất nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm, theo dõi, đó là trái phiếu doanh nghiệp. Từ tháng 6 đến tháng 9 là bốn tháng đỉnh điểm của việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Liệu khả năng những doanh nghiệp bất động sản, hay những doanh nghiệp khác trong ngành có đủ khả năng trả nợ, trả gốc và lãi hay không, thì chúng ta còn cần chờ đợi những diễn biến tiếp theo, nhưng theo chúng tôi đánh giá, đây là một rủi ro tiềm tàng với nhà đầu tư.
Thứ ba, là những sự kiện bất ngờ có thể xảy đến. Vừa qua, tất cả các thông tin, sự kiện mà chúng ta đã từng trải qua trong năm 2022, từ quốc tế đến Việt Nam như sự kiện Vạn Thịnh Phát, SVB sụp đổ hay sự cố ở Credit Suise cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số VN-Index, gây rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư vào tháng 5 đến tháng 10.

Cũng phải nhìn nhận, trên đây là những yếu tố rủi ro mang tính chất ngắn hạn, KBSV vẫn bảo lưu quan điểm tích cực đối với thị trường xuyên suốt cả năm 2023. Trong đó, những yếu tố mà chúng ta có thể kỳ vọng đó là: Một, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế đang có xu hướng giảm tương đối rõ nét từ đầu năm đến nay và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá đang hạ nhiệt, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước có động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi GDP quý 1 tương đối thấp.

Hai, bản thân môi trường lãi suất bên ngoài, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất, có thể là vào tháng 7, hoặc tháng 9. Nếu Fed đảo chiều hạ lãi suất, theo sau đó, các ngân hàng trung ương có thể tiếp bước như ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam
Ba, là dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong quý 3 và quý 4 khi Chính phủ đã có nhiều động thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kết hợp với các điều kiện về lãi suất hạ ở cả bên trong và bên ngoài.

Tổng hòa các yếu tố như vậy thì năm 2023 nhìn chung khá tích cực. Song, điểm rơi của thị trường ở điểm nào thì câu chuyện tháng 5 vẫn đang tồn tại nhiều rủi ro và chúng tôi cho rằng, tháng 5, tháng 6, hoặc tháng 7, nếu xuất hiện một nhịp điều chỉnh đủ sâu, sẽ hoàn toàn là cơ hội để nhà đầu tư có thể mua vào, gia tăng tỷ trọng và kỳ vọng vào đợt hồi phục của thị trường trong giai đoạn cuối năm. Đó là thời điểm những yếu tố thuận lợi về mặt vĩ mô quốc tế và trong nước sẽ phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán.

Tuy hiệu ứng Sell in May and go away hàm ý là nhà đầu tư không nên nắm giữ cổ phiếu từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng nếu đợi đến tháng 11 mới mua thì nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ một nhịp hồi phục. Dựa vào các yếu tố rủi ro như đã phân tích ở trên, thì có lẽ vùng rủi ro nhất của thị trường tập trung đâu đó vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,257.50 +2.83 (+0.23%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả