Sẽ có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm - thủy sản
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong tháng 5 này, NHNN cần nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản vừa được Văn phòng Chính phủ công bố có nhiều chỉ đạo quan trọng đưa ra các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp, trong đó, đáng lưu ý là chỉ đạo về việc nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp lâm sản, thủy sản
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp lâm sản, thủy sản.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân.
“Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi. Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5 năm 2023”, Thông báo nêu rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, nâng cao vị thế, thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ có chất lượng, có chứng chỉ cho chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu và cấp chứng chỉ các - bon.
Các Hiệp hội chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra, cá ngừ và các sản phẩm quan trọng khác; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt yêu cầu làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nội bộ Hiệp hội và các Hiệp hội khác.
Tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lâm sản; phối hợp với Bộ Công Thương cùng hỗ trợ các doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công Hội chợ quốc tế xuất khẩu thủy sản, Hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ.
Vasep đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, bằng với mức vay ngoại tệ cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch.
Các Hiệp hội là cầu nối quan trọng hiệu quả giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển của ngành và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Theo thống kê, năm 2022, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng cao, vượt chỉ tiêu đặt ra với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,36%, mức cao nhất trong những năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,53 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, duy trì trong Top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ngành thủy sản cũng đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023, cùng với khó khăn chung của các ngành, lĩnh vực, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thuỷ sản đều giảm nhiều so với cùng kỳ (giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%), đặc biệt là tại các thị trường lớn, truyền thống, như: Mỹ, EU; số lượng đơn hàng giảm mạnh.
Sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản có những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản bị co hẹp.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nói chung, tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng, mục tiêu năm 2023 giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 17,0 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10,0 tỷ USD.
Trước thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc, đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, bằng với mức vay ngoại tệ cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị.
Đối với vấn đề tín dụng và lãi suất, Chủ tịch VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo: Điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong Quý 1-2/2023. Đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo NĐ số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường