SBBS muốn tăng vốn lên 500 tỷ đồng, nhóm cổ đông chiếm hơn 30% vốn phản đối
Theo biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), toàn bộ 9 nội dung trình cổ đông đã được thông qua tại đại hội. Đáng chú ý, có 4 nội dung ghi nhận tỷ lệ không tán thành là 30.27%. Đây là tỷ lệ biểu quyết của nhóm cổ đông đại diện cho gần 8.49 triệu cp.
Ở phần biểu quyết thông qua chương trình đại hội, ghi nhận số cổ phiếu tán thành gần 19.56 triệu cp (chiếm 69.73%), số cổ phiếu không tán thành gần 8.49 triệu cp (chiếm 30.27%), nhóm 4 cổ đông này không tán thành việc đưa tờ trình phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ vào chương trình đại hội. Mặc dù vậy, với tỷ lệ biểu quyết như trên, đại hội đã thông qua chương trình làm việc.
Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông qua Báo cáo HĐQT về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Báo cáo của BKS về tình hình hoạt động năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024; Báo cáo của Tổng Giám đốc về tình hình hoạt động kinh doanh và kế hoạch kinh doanh năm 2024; tờ trình BCTC kiểm toán năm 2023; tờ trình lựa chọn Công ty kiểm toán năm 2024. Đây là 5 nội dung được thông qua với tỷ lệ tán thành tuyệt đối 100%.
4 nhóm vấn đề còn lại đã được ĐHĐCĐ thông qua, tỷ lệ tán thành chỉ đạt 69.73%. Phiếu nghịch đến từ nhóm 4 cổ đông nói trên chiếm tỷ lệ 30.27%.
Như đã đề cập, nhóm 4 cổ đông nói trên cũng không tán thành tờ trình về phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.
Cụ thể, SBBS muốn phát hành thêm 20 triệu cp với giá chào bán 10,000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền tương ứng là 3:2 (tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được 1 quyền, cứ 3 quyền sẽ được mua thêm 2 cổ phiếu mới).
Quyền mua không được chuyển nhượng. Thời gian thực hiện không trễ hơn tháng 4/2025 và phù hợp với chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nếu thành công, vốn điều lệ Công ty tăng từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền dự kiến thu được 200 tỷ đồng, SBBS dùng để bù đắp vốn chủ sở hữu còn thiếu đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Đồng thời, bổ sung thêm nghiệp vụ kinh doanh, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của Công ty, chi tiết như sau ( theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào vốn thực tế thu được): tự doanh chứng khoán 50 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán 165 tỷ đồng và cuối cùng là vốn lưu động.
Đồng thời, nhóm cổ đông kể trên cũng không tán thành việc bầu ông Huỳnh Đào Hoàng Nam (sinh năm 1987) làm Thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vị này có trình độ kỹ sư tại Đại học kỹ thuật Tokyo và thạc sỹ quản trị kinh doanh tại University of Haiwaii, Manor.
Về quá trình công tác, ông Nam từng là Trưởng phòng phát triển kinh doanh của Mitsubishi Heavy Industries, Ltd (10/2012 – 04/2021) và ở vị trí tương tự tại Mitsubishi Power Asia Power Pacific (04/2021 – 10/2021). Từ 12/2022 - nay, ông Nam là Phó Giám đốc phát triển kinh doanh tại Sojitz Việt Nam.
Kết quả, ông Nam vẫn được bầu vào HĐQT của SBBS với tỷ lệ 69.73%. HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2021 - 2026 sau khi bổ sung gồm: bà Nguyễn Thị Hương Giang – Chủ tịch HĐQT, 4 Thành viên HĐQT còn lại là ông Phạm Trí Hiếu, ông Phạm Hoài Nam, ông Kouk Wee Kiat, ông Derek Chin Chee Seng và ông Huỳnh Đào Hoàng Nam.
Hai vấn đề khác mà nhóm 4 cổ đông có ý kiến không tán thành là tờ trình về việc bổ sung nghiệp vụ kinh doanh (gồm tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán) và thông qua quy chế quản trị nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát.
Năm 2024, SBBS đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 12.4 tỷ đồng, tăng khoảng 58% so với thực hiện năm 2023. Lãi trước thuế 356 triệu đồng, lãi sau thuế ở mức tương ứng. Năm trước, SBBS lỗ gần 7.3 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận