Sau Thông tư 14, các công ty tài chính hỗ trợ vay tiêu dùng như thế nào?
Sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, nhiều khách hàng đặt kỳ vọng vào sự tăng tốc hỗ trợ của các đơn vị cho vay tiêu dùng.
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày ký, tạo hành lang pháp lý mới hỗ trợ cho việc tái cấu trúc các khoản nợ xấu vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có các công ty tài chính.
Hiện tại, các phương án hỗ trợ tập trung vào giải pháp hoãn, giãn trả nợ, giảm, miễn lãi, phí. Tuy nhiên, khuyến cáo chung đưa ra là các khách hàng cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng, công ty để thỏa thuận chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp.
Đại diện FE Credit, đơn vị sở hữu thị phần cho vay tiền mặt lớn nhất trên thị trường, cho biết sau Thông tư 14, công ty đã triển khai chương trình hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng, kể từ tháng 9/2021 và gia hạn thời hạn vay 4 tháng cho các khách hàng.
“Ban lãnh đạo công ty cũng đang thảo luận thêm một số chính sách khác nhằm hỗ trợ khách hàng một cách toàn diện và lâu dài hơn. Công ty cũng mong khách hàng giữ liên lạc với các nhân viên phụ trách xử lý tín dụng trong thời gian này để được tư vấn và xem xét phê duyệt các phương thức hỗ trợ phù hợp với từng khách hàng”, đại diện FE Credit nói.
Trước khi Thông tư mới chính thức ban hành, FE Credit cho biết đã miễn giảm lãi cho khách hàng theo nhóm nợ cho khách hàng bị quá hạn thanh toán nhưng “vẫn thiện chí trả nợ”.
Tính đến cuối tháng 8/2021, FE Credit cho biết đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho hơn 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với số lãi, phí lũy kế đã hỗ trợ gần 215 tỉ đồng.
Còn đại diện Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam (MAFC), cho biết công ty đã gửi tin nhắn thông báo về chương trình cơ cấu giãn nợ cho các khách hàng. Theo đó, đơn vị này sẽ phê duyệt 100% các đơn đề nghị của những khách hàng đạt tiêu chí theo Thông tư 14.
Từ ngày 12/9, MAFC đưa vào vận hành cổng trực tuyến nhận yêu cầu từ khách hàng, thành lập đội ngũ tư vấn về chương trình hỗ trợ để thông tin đến khách hàng.
Tính từ đầu tháng 6 đến ngày 14/9/2021, MAFC cho biết đang xử lý hơn 4.600 đề nghị cơ cấu lại thời hạn thanh toán khoản vay với tổng giá trị đến 90 tỷ đồng. Đồng thời, công ty miễn, giảm lãi cho gần 400 trường hợp với tổng giá trị hỗ trợ đến 3,3 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ đang triển khai, đồng thời đã chủ động liên hệ đến gần 20.000 khách hàng khó khăn nằm trong điều kiện quy định của Thông tư mới.
Công ty này cũng khuyến cáo khách hàng đăng ký thông tin qua nhiều kênh khác nhau (website, tin nhắn, hoặc số hotline) để hỗ trợ. “Tùy theo trường hợp cụ thể của mỗi khách hàng, công ty sẽ đánh giá và phê duyệt phương thức phù hợp nhất cho khách hàng”, đại diện VietCredit cho biết.
Trước đó, VietCredit công bố chính sách không thu phí chậm thanh toán số tiền tối thiểu, giảm số tiền thanh toán tối thiểu (từ mức 1,5% về 0,75%), xem xét miễn giảm lãi cho khách hàng.
Theo Thông tư 14, các khoản vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của ngân hàng vẫn chưa thuộc diện được hỗ trợ, dù Hiệp hội Ngân hàng trước đó kiến nghị đưa vào.
Theo đánh giá của các ngân hàng, thẻ tín dụng là hình thức cấp tín dụng phổ biến. Khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng thực tế cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng khá nhiều.
Hiện một số ngân hàng áp dụng chính sách hỗ trợ cho người sử dụng thẻ tín dụng như giảm lãi suất, hoàn tiền hay không thu phí chậm thanh toán. Tuy nhiên, tùy ngân hàng, chính sách được áp dụng tùy vào từng khách hàng và điều kiện áp dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận