Sau nửa năm “về tay” Masan: Chuỗi VinMart/VinMart+ tại Hà Nội đã có lợi nhuận
Nhiều tín hiệu tích cực từ sức tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành hàng chủ lực và mảng bán lẻ, đặc biệt tại thị trường Hà Nội đã củng cố niềm tin của giới đầu tư vào Masan Group.
Nhiều gam màu sáng
Kết quả kinh doanh quý II/2020 của Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã: MSN) cùng các công ty con cho thấy bức tranh tổng thể với nhiều gam màu sáng, nhất là trong bối cảnh cao điểm chống dịch trên cả nước. Có thể dễ dàng thấy được, lợi nhuận thuần của Tập đoàn đã quay trở về mức dương 325 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với con số 85 tỷ đồng quý I.
Tuy nhiên, đây cũng là mức thấp nếu đặt cạnh kết quả cùng kỳ năm ngoái, điều này chủ yếu do ảnh hưởng của thương vụ sáp nhập VinCommerce.
Cả doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của Masan Group đều duy trì ở mức tương đương quý đầu năm, cho thấy tính ổn định của toàn hệ thống vượt qua những biến động của yếu tố ngoại cảnh. Sau nửa đầu năm, Tập đoàn thu về tổng cộng hơn 35.400 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp gần 7.860 tỷ đồng, tăng lần lượt 103% và 53%.
Trong quý này, nhân tố mới trong chiến lược tăng trưởng dài hạn của Masan Group - Công ty The Crown X (TCX) đã bắt đầu hé lộ quy mô thực tế ấn tượng của mình. Chỉ riêng thành viên này đem về 12.592 tỷ đồng doanh thu trong quý II và 25.848 tỷ đồng sau 6 tháng, tương đương 3/4 doanh thu toàn hệ thống.
Thực tế, The CrownX là sự kết hợp của Masan Consumer Holdings (MCH) - nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng số một và VinCommerce - nhà bán lẻ hiện đại số một của Việt Nam. Nhưng chiến lược hợp nhất của Masan Group đương nhiên không chỉ dừng lại ở phép cộng thông thường, mà ban lãnh đạo Tập đoàn kỳ vọng vào tính cộng hưởng trên quy mô lớn, qua đó có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Hai gã khổng lồ ở hai vị thế trái ngược, một bên là “gà đẻ trứng vàng”, một bên vẫn đang phải ngốn tiền để có duy trì vị trí thống lĩnh thị phần sẽ phải bù đắp thiếu hụt và phát huy sức mạnh của một chuỗi cung ứng liền mạch từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Theo số liệu công bố từ Masan Group, thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) nửa đầu năm của The CrownX đạt 1.262 tỷ đồng, với biên EBITDA 4,9%. Đây chưa phải là con số ấn tượng, nhưng đã cải thiện 1% nếu so sánh tương đương cùng kỳ.
Cũng quý vừa rồi, Masan Group đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 862 triệu USD. Sau giao dịch này, Masan đang nắm giữ khoảng 82,6% cổ phần tại The CrownX. Điều này khẳng định niềm tin của Ban điều hành Masan về tiềm năng mạnh mẽ của quân bài chiến lược này trong tương lai.
Phân tích sâu hơn, MCH chính là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho toàn Tập đoàn, đem về lợi nhuận cũng như dòng tiền lành mạnh. Tăng trưởng doanh thu thuần quý II đạt gần 35% trong khi tăng trưởng EBITDA còn ấn tượng hơn với 45%.
Nửa đầu năm 2020 cũng là giai đoạn MCH tăng cường ra mắt, đẩy mạnh tiếp thị với nhiều sản phẩm ngành hàng, nhất là đối với phân khúc cao cấp. Chiến lược này thực tế tỏ ra rất hiệu quả với tỷ trọng doanh thu của dòng nước mắm cao cấp tăng từ 9% lên 13%. Danh mục cao cấp của thực phẩm tiện lợi hiện đang chiếm một nửa trong phân khúc.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy việc tăng trưởng doanh số của kênh bán hàng hiện đại cũng đạt 45% trong quý II, giai đoạn mà xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của đại dịch.
Thành công của MCH đến với hầu hết các ngành hàng chủ lực, đặc biệt đối với sự trở lại của mảng bia thông qua việc ra mắt thương hiệu Red Ruby, đạt mức tăng trưởng 60%.
Dấu ấn VinMart và VinMart+
Với VinCommerce, đội ngũ Masan Group vẫn đang tiếp tục trên con đường cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong tháng 7 gần nhất, công ty cho biết lượng khách hàng đến trên toàn hệ thống tăng 11% so với tháng trước đó. Tăng trưởng doanh số bán hàng trên cùng cửa hàng (SSSG) đạt 2,8%. Mặc dù lượng khách hàng đến giảm 5,8%, nhưng bù lại, giá trị hóa đơn trung bình cải thiện 9,5%.
Doanh thu cửa hàng VinMart+ tại TP Hồ Chí Minh và các thành phố cấp 2 đạt tốc độ tăng trưởng từ 8 - 10% trở thành các thị trường chủ lực của VinCommerce trong nửa cuối năm. Biên EBITDA -6,7% cải thiện 2% so với cùng kỳ 2019, hướng tới mục tiêu đưa con số này về -3% đến 0% trong năm nay vượt qua nhiều thách thức. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đứng trước nguy cơ bùng phát lây nhiễm trở lại với điểm khởi phát tại Đà Nẵng.
Một chi tiết đáng lưu tâm cho các nhà đầu tư là cổ đông của Masan Group là biên EBITDA của cả VinMart và VinMart+ đã đạt mức dương tại TP Hà Nội từ quý II năm nay, nơi đóng góp khoảng một nửa doanh thu siêu thị của Tập đoàn trên cả nước.
Với Masan MEATLife (Mã: MML), mảng thịt và trang trại thu về hơn 600 tỷ đồng doanh thu trong quý II, đóng góp 16% doanh thu hợp nhất của cả công ty. Masan Group đánh giá rằng, lĩnh vực kinh doanh này đang trên đà vượt mục tiêu ban điều hành đề ra cho năm nay, là chiếm 1/5 tổng cơ cấu doanh thu.
Biên EBITDA ngành thịt đạt 5%, được dự báo sẽ tăng trưởng nhiều hơn do nâng cao công suất nhà máy và mở rộng các sản phẩm thịt chế biến, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Doanh thu thức ăn gia súc dù giảm gần 16% do tổng đàn heo sụt giảm bởi ASF, nhưng trong bối cảnh giá heo cao trên cả nước trong 6 - 9 tháng, việc tái đàn đang được diễn ra nhanh chóng. Doanh thu thức ăn thủy sản cũng giảm gần 19% do ảnh hưởng của Covid-19 lên hoạt động xuất khẩu, việc bù đắp đến từ mảng thức ăn gia cầm tăng 11% do nhu cầu tiêu thu gia tăng với vai trò sản phẩm thay thế thịt heo.
Việc tăng cường đầu tư cho The Crown X được ban điều hành Masan Group lưu ý tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Tập đoàn sẽ có những điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12 - 18 tháng, để có thể đảm bảo dòng tiền hoạt động lành mạnh chống chọi với đại dịch, bên cạnh đó không bỏ lỡ những cơ hội đầu tư khi đến thời điểm thích hợp.
Sau khi thành lập The CrownX - công ty hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer Holdings, Masan tiếp tục khiến thị trường “dậy sóng” với thông tin VinMart sẽ được đổi tên thành WinMart.
Theo lý giải của Masan về tên gọi The Crown X, chữ Crown trong tiếng Anh là vương miện, với hàm ý xem người tiêu dùng là vua, là nữ hoàng. X đại diện cho các ý tưởng đột phá, những sáng kiến đỉnh cao công nghệ. Với tên WinMart, liệu tên gọi này có thể lý giải WinMart theo ý nghĩa “Where shoppers win”? Ý nghĩa này rất tương đồng với triết lý “đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” thường được Masan nhắc đến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận