24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sau “niềm vui với lợn”, Dabaco muốn phiêu lưu với đất

Trong khi niềm vui nhờ cơn sốt giá thịt lợn chỉ mang tính thời điểm, thì việc phiêu lưu sang lĩnh vực địa ốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) khiến cổ đông không khỏi băn khoăn.

Lợi nhuận phi mã theo giá thịt lợn

Theo báo cáo tài chính quý II/2020, trong kỳ, DBC đạt doanh thu khoảng 3.106 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 397 tỷ đồng, lần lượt tăng 86% và 53 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DBC ước lãi sau thuế 744 tỷ đồng, gấp 27 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 63% kế hoạch cả năm 2020. Đây được xem là một trong những giai đoạn kinh doanh thăng hoa nhất của DBC, nguyên nhân là nhờ cơn sốt giá thịt lợn.

Tuy nhiên, giá thịt lợn chỉ mang tính nhất thời, không ổn định, bởi trong quá khứ, DBC cũng từng khốn đốn vì giá thực phẩm này sụt giảm mạnh. Cụ thể, cuối 2016, đầu 2017, trước tình trạng dư thừa nguồn cung, giá thịt lợn hơi xuống rất thấp, có lúc chỉ còn 20.000 đồng/kg khiến doanh thu của DBC sụt giảm mạnh, hoạt động kinh doanh từ lĩnh vực chính bị thua lỗ.

Tuy nhiên, sau đó, giá lợn thịt và lợn giống hồi phục, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất và hạ giá vốn sản phẩm, đã giúp doanh nghiệp cải thiện được kết quả kinh doanh.

Năm 2018, Công ty ghi nhận 6.700 tỷ đồng doanh thu thuần và 360 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng 80% so với 2017. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi chuyển từ lỗ sang sinh lời, doanh thu từ mảng này cũng tăng hơn 28%.

Bước sang năm 2019, một lần nữa DBC lại rơi vào thế khó khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ổ dịch đầu tiên phát hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình từ đầu tháng 2/2019, sau đó lan rộng ra cả nước, khiến 3 quý đầu năm 2019, doanh thu của Công ty giảm tới 87% so với cùng kỳ 2018, đồng thời lãi ròng cũng giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, với tình hình dịch bệnh như trên, doanh nghiệp chăn nuôi không lỗ đã là may mắn.

Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung sụt giảm mạnh, qua đó đẩy giá thịt lợn lên cao, giúp các doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm liên quan tới chăn nuôi lợn như Dabaco được hưởng lợi.

Cơn sốt giá lợn cuối năm 2019 đã giúp DBC ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2019 đạt 2.084 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 55% so với cùng kỳ, ở mức hơn 489 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 17,3% trong quý IV/2018 lên 23,5% trong quý IV/2019.

Cơn sốt giá thịt lợn duy trì đến nay tiếp tục giúp DBC có kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2020, bất chấp nhiều doanh nghiệp, ngành nghề khốn đốn vì Covid-19.

Nỗi lo khi phiêu lưu với đất

Như phân tích ở trên, DBC đang có những tháng ngày hạnh phúc nhờ cơn sốt giá thịt lợn, nhưng trong 4 năm qua, doanh nghiệp này cũng từng chịu những bất ổn theo diễn biến của giá thịt lợn. Cơn sốt giá thịt lợn hiện nay được dự báo sẽ khó kéo dài khi Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn thị trường.

Cụ thể, đầu tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã và đang chỉ đạo thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn cung để bình ổn thị trường thịt lợn, như nhập khẩu thịt lợn và gần đây là nhập khẩu lợn sống từ một số nước láng giềng. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải là phát triển đàn lợn trong nước.

"Điểm mấu chốt, hạt nhân phục vụ công tác tái đàn là đến nay, đàn lợn giống gốc chúng ta giữ được khoảng 120.000 con lợn cụ kỵ, ông bà và có khoảng 2,8 triệu con lợn nái. Với số lượng này, theo tính toán vào quý IV năm nay sẽ đáp ứng 11 triệu lợn con phục vụ nuôi thương phẩm. Đây là điểm cốt lõi để khôi phục lại đàn lợn cả nước so với thời điểm trước khi dịch xảy ra", Bộ trưởng Cường nói.

Điều này cho thấy, nhiều khả năng “niềm vui với lợn” của DBC sẽ không kéo dài. Ngoài lợi thế về giá thịt lợn khó duy trì, nhà đầu tư cũng không khỏi lo lắng khi nhìn vào các chỉ số tài chính của Công ty.

Cụ thể, nợ ngắn hạn của DBC thường duy trì ở mức trên dưới 4.500 tỷ đồng. Tại cuối quý I/2020, khoản nợ phải trả chiếm tới 66% tổng tài sản của Công ty (tổng tài sản 9.920 tỷ đồng), trong đó nợ ngắn hạn 4.500 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chưa tới 3.400 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý nữa, trong 3 năm trở lại đây, giá trị hàng tồn kho luôn tăng và thường chiếm hơn 70% tỷ trọng tài sản ngắn hạn của Dabaco.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 (đã kiểm toán), tồn kho năm 2019 của DBC là 3.128 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018 (năm 2018 tăng hơn 32% so với năm 2017; năm 2017 tăng 5,5% so với năm 2016). Trong đó, khoản chi phí sản xuất - kinh doanh cuối kỳ là hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 giá trị hàng tồn kho.

Khoản mục này bao gồm chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang hoạt động kinh doanh bất động sản (hơn 518 tỷ đồng) và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang hoạt động chăn nuôi, hoạt động khác (gần 1.584 tỷ đồng).

Hàng tồn kho tăng mạnh khiến vòng quay tồn kho sụt giảm, đẩy số ngày hàng tồn kho tăng. Cụ thể, tính đến cuối quý I/2020, số ngày hàng tồn kho của DBC là 180,9 ngày, tăng so với 177,2 ngày cuối năm 2019 và 153,3 ngày của cùng kỳ năm 2019. Vòng quay hàng tồn kho gia tăng kéo theo vòng quay tiền mặt kéo dài hơn, đặt DBC vào rủi ro có thể thiếu hụt tiền mặt ngắn hạn trong năm 2020.

Trong khi đang có khoản tồn kho và nợ lớn, thì tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra hồi tháng 4/2020, trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2020 - 2025, Dabaco xác định sẽ mở rộng các cơ hội trong lĩnh vực khác, chủ yếu là đầu tư bất động sản nhằm tối đa hóa lợi ích cho Công ty.

Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 tòa nhà cao tầng gồm Lotus Central 15 tầng và tòa nhà 29 tầng tại đường Huyền Quang (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đồng thời hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp dịch vụ và làng nghề Khúc Xuyên (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh triển khai dự án BT tuyến đường H2 và các dự án đối ứng, dự án khu nhà ở xã hội tại phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, khu nhà ở thị trấn Hồ (Bắc Ninh)…

Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực địa ốc cần nguồn vốn rất lớn, trong khi hiện nay, các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản đều theo hướng siết dần. Ngoài ra, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, người mua nhà và nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn khi quyết định mua nhà, đất. Do đó, để thành công trong việc phát triển dự án bất động sản với một doanh nghiệp tay ngang như Dabaco không phải đơn giản.

Thực tế, từ năm 2015, Công ty đã chuyển hướng và đầu tư khá nhiều vào mảng bất động sản với thương hiệu Dabaco Land. Tuy nhiên, Dabaco cũng đã quyết định chuyển nhượng lại thương hiệu Dabaco Land cho người khác và hầu hết các dự án bất động sản hiện nay, doanh nghiệp này không tự một mình phát triển, mà hợp tác với một bên thứ ba.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
26.55 +0.15 (+0.57%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả