Sau khi nâng hạng, TTCK Việt Nam cần làm gì để duy trì và phát huy vị thế mới ?
Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ với sự gia tăng đáng kể về số lượng công ty niêm yết, vốn hóa và giá trị giao dịch trên thị trường, cùng với câu chuyện về nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Nâng hạng TTCK là mục tiêu quan trọng đối với cả các cơ quan quản lý nhà nước, thành viên tham gia thị trường và là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Để đạt được điều này, một trong những yếu tố then chốt là việc thực hiện các sửa đổi pháp lý và cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán, nhằm tạo dựng cơ chế giao dịch thuận lợi, môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những thay đổi quan trọng trong nỗ lực nâng hạng TTCK Việt Nam là việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan đến giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Chúng ta thấy rằng đã có sự quyết tâm rất lớn của các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK, thể hiện bằng các hành động cụ thể và quyết liệt.
Sau một thời gian làm việc khẩn trương và tích cực giữa các cơ quan quản lý nước và các thành viên tham gia thị trường, đến nay Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được ban hành vào tháng 9 và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 đã tháo gỡ nút thắt quan trọng để tổ chức FTSE Russell có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Đó là việc bỏ đi yêu cầu các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền mặt trong tài khoản khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán (pre-funding), cụ thể là “Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng”.
Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được tăng cường với lộ trình quy định bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với công ty đại chúng.
Tuy nhiên, quy định trong Thông tư 68/2024/TT-BTC chỉ là giải pháp trước mắt cho vấn đề pre-funding. Giải pháp căn bản về lâu dài là việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Mô hình CCP là một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, giúp tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch chứng khoán. Mô hình này cho phép việc thanh toán và bù trừ các giao dịch chứng khoán diễn ra an toàn, hiệu quả và theo chuẩn quốc tế và đáp ứng được một trong những tiêu chí quan trọng của FTSE Russell và MSCI để nâng hạng thị trường. Bên cạnh đó, việc thực hiện CCP cũng sẽ giúp các công ty chứng khoán kiểm soát rủi ro tốt hơn, đồng thời tạo ra một môi trường giao dịch ổn định, minh bạch và hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.
Hiện tại, mục tiêu trước mắt của TTCK Việt Nam là được FTSE Russell nâng hạng trong năm 2025. Tuy nhiên, sau khi được FTSE Russell nâng hạng, chúng ta còn mục tiêu quan trọng hơn là được MSCI nâng hạng do các chỉ số của MSCI được nhiều quỹ đầu tư dùng làm chỉ số tham chiếu hơn. MSCI có nhiều tiêu chí để xét nâng hạng thị trường hơn FTSE Russell như giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do hóa trên thị trường giao dịch ngoại hối. Do đó, quá trình xét nâng hạng của MSCI sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.
Việc nâng hạng TTCK Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số. Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.
Nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, có tính ổn định cao, vào thị trường. Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng lớn của phương tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung và các nhà đầu tư tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân. Việc TTCK Việt Nam vẫn đang ở trong nhóm cận biên trong khi Ấn Độ và Indonesia đã ở trong nhóm mới nổi là điều bất lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn rất lớn này.
Khi nhìn vào triển vọng của TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thị trường này đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào các cải cách pháp lý và việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư lớn, rất coi trọng tính minh bạch, tính hiệu quả và sự ổn định của một thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, họ cũng rất quan tâm đến việc cải thiện chất lượng công bố thông tin và việc tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro. Các quy định pháp lý mới về công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty đại chúng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin và đưa ra quyết định đầu tư chính xác.
Việc Việt Nam được nâng cấp lên vị thế thị trường mới nổi là một cột mốc quan trọng khẳng định tiến bộ kinh tế của đất nước và sức hấp dẫn ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Sự kết hợp giữa nền tảng kinh tế vững mạnh, mức định giá hấp dẫn và các chính sách hỗ trợ của chính phủ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Mặc dù vẫn còn những thách thức nhưng triển vọng dài hạn của thị trường vẫn tích cực, mang đến những cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư sẵn sàng nắm bắt tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, một trong những câu hỏi được đặt ra là sau khi nâng hạng, làm thế nào để TTCK Việt Nam duy trì và phát huy vị thế mới?
Theo VinaCapital, yếu tố quan trọng nhất là tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô, cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết và tăng cường công tác quản lý thị trường. Các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động để củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện các quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phát triển thị trường bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường