Sau 13 lần giảm trong ba tháng, giá thép sẽ hạ đến bao giờ?
Giá thép giảm 4-5 triệu đồng/tấn trong 3 tháng qua.
Chiều 8/8, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua với mức giảm đến 1,31 triệu đồng/tấn. Giá hiện tại giá đang quanh 14,5-16,5 triệu đồng/tấn.
Sau điều chỉnh, loại thép cuộn CB240 của Pomina còn 14,98 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 còn 16,39 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá thép xây dựng trong nước. Nguồn: Mirae Asset
Tại khu vực miền Bắc, với thương hiệu Hòa Phát, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 có giá là 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn. Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giao dịch ở 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Như vậy từ ngày 11/5, giá thép giảm liên tục 13 lần với tổng mức giảm lên đến khoảng 4-5 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Tình hình xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua đi xuống. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt mức 613.454 tấn, giảm 28% so với tháng 6. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép ở mức 909.245 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm hơn 22% trong khi nhập khẩu giảm gần 8%.
Vì đâu giá thép liên tục giảm?
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirea Asset, giá than cốc, nhiên liệu trong sản xuất thép, đã giảm sau cú sốc về cấm vận đối với Nga, nước chiếm 15% sản lượng than toàn cầu, do nhu cầu thép giảm cũng như các nước đang vào mùa hè, nhu cầu điện hạ ở nhiệt ở Bắc Bán Cầu.
Giá than cốc ngày 11/8 là 236 USD/tấn, giảm 63% so với đỉnh đầu tháng 3, góp phần kéo giá thép đi xuống.
Diễn biến giá than cốc trong luyện thép. Nguồn: Trading View
Giá quặng 62% Fe, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép, tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 11/8 là 117 USD/tấn, sát mức thấp nhất 8 tháng qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ Edutrade, thành viên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giá sắt thép trong nước liên tục giảm do tồn kho ở mức cao tại các tập đoàn sản xuất thép lớn, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát.
Tồn kho của Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 36,2% thị phần thép xây dựng trong cả nước, là hơn 58.300 tỷ đồng, tăng 45% so với so với quý I và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, ngành thép còn đứng trước nhiều rủi ro từ nay đến cuối năm. Thứ nhất là rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC.
Diễn biến giá quặng 62% Fe. Nguồn: Trading Economics
Bên cạnh đó, rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng hồi phục chậm hơn kỳ vọng. Theo khảo sát của công ty chứng khoán trên, giá xi măng và cát trong tháng 6 đã tăng thêm trung bình 20% và 35% so với cùng kỳ.
Mặt khác, Trung Quốc có thể tăng cường xuất khẩu khiến thép Việt Nam khó cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Nếu tính cả thép thành phẩm, tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đạt 7,8 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Luỹ kế nửa đầu năm nay, tổng lượng thép xuất khẩu giảm 9% xuống 34 triệu tấn. Trong trường hợp 6 tháng cuối năm, các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, thị trường thép có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn khi các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của Mirae Asset chỉ ra rằng giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34% so với kế hoạch. Các chuyên gia từ công ty chứng khoán này cho rằng ngành thép sẽ chưa thể có mức tăng trưởng bứt phá khi dòng vốn của đầu tư công hiện giải ngân chậm so với dự kiến.
Các chuyên gia cho rằng nhiều nhà thầu cũng đang có tâm lý chờ đợi giá thép tiếp tục giảm. Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam chia sẻ trong chương trình Bản tin Tài chính Kinh doanh trên VTV1 rằng tâm lý các nhà thầu là tiếp tục chờ giá thép giảm tiếp. Các nhà thầu kỳ vọng trong thời gian ngắn sắp tới, giá thép có thể giảm về 13-13,5 triệu đồng/tấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận