Sắp về đích, Quy hoạch tổng thể quốc gia quan trọng như thế nào?
Quy hoạch tổng thể quốc gia là một việc "chưa có tiền lệ", "rất khó" nhưng đây là cơ hội để xây dựng nước Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 là dự án lớn, lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam nên được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là vấn đề rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội là công trình nghiên cứu “hết sức đồ sộ, công phu”, với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu; gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu với khoảng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia.
Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia được xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khai mạc hôm 5/1. Sau 3 ngày làm việc, Quốc hội đã dành một phiên thảo luận tại tổ và toàn thể hội trường với hàng trăm ý kiến đáng chú ý về nội dung này.
Và theo dự kiến, chiều nay (9/1), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Chọn kịch bản tăng trưởng cao
Trong phiên thảo luận tổ ngày 6/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch là vấn đề khó, song Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật Quy hoạch.
Tại dự thảo, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, phát triển. Trong đó, kịch bản thấp, với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% cho cả giai đoạn 2021-2030 và đạt 6,49% mỗi năm vào 2031-2050. Kịch bản cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7,05% một năm giai đoạn 2021 - 2030 và đạt 7,16% một năm trong giai đoạn 2031-2050.
Theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng thấp và cao). Bởi chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, từ nay đến năm 2030 là các quy hoạch đã hình thành, ví như tứ giác Tp.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Vũng Tàu hay Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nên cần phát hiện thêm các vùng tiềm năng để tập trung nguồn lực cho tương lai.
Ông Phớc cũng đề nghị quy hoạch đến 2030 cần tạo khung cứng về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ đất nước. Cụ thể bao nhiêu sân bay, cảng biển trọng điểm cần đầu tư, các tuyến đường cao tốc, trong đó phải tính đến nguồn lực trong nước, vay nước ngoài, xã hội hóa thông qua PPP.
Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, quy hoạch phải đặt mục tiêu phát huy được ưu thế của đất nước, địa phương.
Dẫn ví dụ Singapore, diện tích chỉ bằng Phú Quốc nhưng sân bay nước này là sân bay trung chuyển của cả khu vực, ông Phàn nêu thực tế tại Việt Nam, tỉnh nào cũng muốn có sân bay, có cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào.
“Sân bay quốc tế ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta thì khoảng 450 km nhưng 5 - 6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ông Phàn nêu quan điểm.
Trong khi đó, dù có lợi thế về đường biển và kinh tế biển cũng được xác định là mũi nhọn, nhưng những cảng biển có nhiều lợi thế như Vân Phong (Khánh Hòa) xây dựng 1 năm xong thì bỏ. Do đó, ông Phàn nhấn mạnh, việc xây dựng Quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đồng tình với quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia nên tập trung tạo lập, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và hình thành các đầu tàu dẫn dắt đất nước.
Vị đại biểu đề nghị cần có sự quan tâm đến hành lang phát triển kinh tế Đông - Tây, trong đó có hành lang kinh tế Hải Phòng, Quảng Ninh, thu hút hàng hóa qua cảng từ khu vực ASEAN, khai thác và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cảng biển.
Cơ hội xây dựng Việt Nam thành quốc gia hùng cường
Thảo luận tại hội trường sáng 7/1, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu rõ: Quy hoạch tổng thể quốc gia là một việc "chưa có tiền lệ", "rất khó" nhưng đây là cơ hội để xây dựng nước Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.
Ví Quy hoạch tổng thể quốc gia như một người lính đi mở đường, tạo động lực phát triển, ông An nhấn mạnh đến yếu tố khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và phải tạo ra khả năng cho các cơ quan có thể giám sát và kiểm tra được quá trình thực hiện.
"Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc các định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành", vị đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu, các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà cần khái quát giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành và địa phương có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp.
Đại biểu nhấn mạnh quan điểm quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển thay vì những con số quá cụ thể. Ông dẫn chứng, hồ sơ quy hoạch đề cập 2 kịch bản tăng trưởng.
"Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao, nhưng nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch đến kinh tế - xã hội thời gian qua thì phương án đó e rằng tính khả thi không cao", ông Đồng đặt vấn đề.
Theo vị đại biểu đoàn Quảng Trị, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Do vậy, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả thống nhất trên quy mô toàn quốc.
"Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao thì cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó", ông Đồng góp ý.
Giải trình cuối phiên thảo luận toàn thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nên mức độ chi tiết đến đâu vẫn là vấn đề khó nhất.
Qua thảo luận, các vị đại biểu cũng còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch Tổng thể nằm giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch cấp dưới, đã đảm bảo tuân thủ các nghị quyết của Đảng.
Hồi âm một số vấn đề được đại biểu quan tâm từ 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường, trong đó có đề nghị bổ sung một số vùng động lực mới, Bộ trưởng cho biết, việc này sẽ không bó hẹp. Với điều kiện hiện nay, Quy hoạch xác định 4 vùng động lực quốc gia (phía Bắc, phía Nam, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) để ưu tiên về thể chế, nguồn lực phát triển để các vùng này có đóng góp lớn hơn tạo sự lan tỏa.
“Sẽ dần hình thành các vùng động lực mới. Thời gian tới, vùng nào đủ điều kiện thì sẽ bổ sung”, Bộ trưởng hồi âm đề xuất của đại biểu.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận