Sắp thoái hết phần vốn nhà nước tại Công ty Xi măng Miền Trung?
Sau khi Bộ Xây dựng và tỉnh Quảng Ngãi thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc tại Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất của Công ty Cổ phần Xi măng Miền Trung (CRC), nhiều nhà đầu tư cấp tập gửi hồ sơ mua lại nhà máy này...
Trước đó, ngày 6.3, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đã có văn báo cáo và xin ý kiến của VICEM về việc bán/thoái vốn đầu tư của BCC tại CRC, CRC là công ty con do Vicem Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC, HNX) sở hữu 76,8% cổ phần, tương đương hơn 9,9 triệu cổ phiếu.
CRC chủ yếu sản xuất, kinh doanh, triển khai Dự án Đầu tư Nhà máy Nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất (trước đây có tên là Dự án đầu tư Nhà máy Nghiền Clinker Dung Quất). Nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm.
Trong văn bản này BCC đưa ra hai phương án để xin ý kiến của VICEM. Thứ nhất, giữ lại CRC theo chiến lược của VICEM. Thứ hai, bán toàn bộ vốn của BCC tại BRC.
THAM VỌNG CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG XI MĂNG NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN
Quay trở lại thời điểm năm 2013, sau khi được Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chấp thuận việc mua cổ phần CRC với với số lượng tối thiểu 76% và tối đa không vượt quá 80% tổng số cổ phần, giá chào mua tối đa không quá 11.680 đồng/cổ phần; BCC và CRC đã ký biên bản thương thảo mua hơn 9,9 triệu cổ phần CRC, tương đương 76,8% tổng số cổ phần giá chào mua và chào bán cổ phần 11.560 dồng/cổ pần. Tổng giá trị thương vụ hơn 115 tỷ dồng.
Khi đó, báo cáo định giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt đã đưa ra ba kịch bản định giá CRC theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Trong đó, kịch bản một giá 18.127 đồng/cổ phần; kịch bản hai giá 30.809 đồng/cổ phần; kịch bản ba là giá 43.795 đồng/cổ phần.
Chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Định giá IPV xác định giá trị tài sản của CRC là hơn 373 tỷ đồng.
Như vậy, mức giá 11.560 đồng/cổ phần mà Vicem Bỉm Sơn bỏ ra để sở hữu 76,8% cổ phần CRC là thấp hơn rất nhiều so với các kịch bản định giá.
Nhà máy Nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất được xây dựng trong Khu Kinh tế Dung Quất, có cảng nhập clinker sát biển và có tiềm năng mở rộng công suất. Đây là khu vực có hạ tầng và tiện ích đồng bộ, gần sân bay, cảng biển nước sâu và nằm trên trục giao thông chính.
Ở thời điểm đó, chủ trương của Vicem và Vicem Bỉm Sơn là khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý của Nhà máy Đại Việt nhằm mở rộng, chiếm lĩnh thị phần cung cấp xi măng của khu vực Nam Trung Bộ đang thiếu xi măng nhất cả nước.
Bên cạnh lợi thế cung cấp xi măng tại chỗ cho Khu công nghiệp Dung Quất và Chu Lai, đây cũng là cửa ngõ để xuất khẩu xi măng sang Lào. Việc mở rộng và gia tăng thị phần tại các tỉnh Nam Trung Bộ là giải pháp tối ưu nhằm khắc phục tình trạng dư cung ở thị trường truyền thống của Vicem Bỉm Sơn là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung.
Từ tháng 6/2013 đến 4/2015, sau khi tiếp quản và hận hành chạy thử nghiệm, hoàn thiện dây chuyền, quy trình quản lý vận hành Nhà máy xi măng Đại Việt, CRC đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra. Năm 2014, sản lượng tiêu thụ gần 290 ngàn tấn/500 ngàn tấn (đạt 57,9%), CRC đã có lãi.
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 5/2015 đến tháng 1/2022, Nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài do dân cư sống quanh khu vực thường xuyên tập trung đông người nhằm yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện di dời các hộ dân đến nơi ở mới như quy hoạch, kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng mà UBND tỉnh Quảng ngãi đã công bố tại Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 23/1/2015.
Tình trạng này kéo dài khiến cho kết quả kinh doanh của CRC sa sút. Kéo theo đó, mong muốn ban đầu của Vicem Bỉm Sơn không thực hiện được. Nhiều năm nay, giới đầu tư đã mong ngóng hướng giải quyết cho CRC, qua đó, cải thiện hiệu quả đầu tư vào Vicem Bỉm Sơn.
LỐI THOÁT CÓ ĐƯỢC SAU 7 NĂM NHỜ THÔNG QUY HOẠCH
Về hướng xử lý, như đã đề cập, trong văn bản báo cáo VICEM ngày 6.3.2023, BCC cho biết ngày 27.2.2023, CRC đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và được UBND tỉnh cung cấp thông tin, hiện nay Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 168/QĐ-TTg ngày 28.2.2023, theo quy hoạch thì Nhà máy nằm trong Khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do đó dân cư xung quanh khu vực sẽ được giải tỏa tái định cư.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất sẽ làm việc với VICEm và BCC trong khoảng thời gian từ ngày 10 – 15.3 về việc tháo gỡ các vướng mắc, đưa nhà máy hoạt động trở lại ổn định. Theo BCC, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy hoạt động bình thường, đảm bảo lượng xi măng xuất cho khách hàng.
Công ty tập trung triển khai công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị… đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo hạn chế tối đã phát tán bụi ra môi trường. Về kết quả sản xuất doanh, từ ngày 1.1.2023 đến 27.2.2023, xi măng tồn kho năm 2022 chuyển sang là 6.608 tấn, xi măng xuất bán là 4.126 tấn.
Trước đó, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chia sẻ những khó khăn của CRC và người lao động nhà máy khi phải ngừng sản xuất trong suốt thời gian dài, từ năm 2015. Đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét giải quyết vướng mắc liên quan.
Theo dự kiến, đầu năm 2023, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai công bố các quy hoạch về phân khu, kế hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân trong khu vực, nhà máy đi vào hoạt động ổn định, công ty CRC sẽ có hiệu quả ngay do nhu cầu và thị trường tại khu vực Miền Trung Tây Nguyên ở mức cao, dự kiến đạt công suất 500 ngàn tấn/năm; doanh thu dự kiến đạt hơn 560 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 49 tỉ đồng/năm.
Về phương án thoái/bán vốn, BCC cho biết thực hiện văn bản của Hội đồng thành viên VICEM số 38/VICEM-HĐTV ngày 6.1.2023 và Nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty về phương án thoái toàn bộ vốn đầu tư của VICEM Bỉm Sơn tại CRC với 9.953.280 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, chiếm 76,8% vốn điều lệ. Giá trị đầu tư là 115.06 tỉ đồng, đảm bảo thoái vốn thu hồi công nợ của BCC tại BRC. BCC đang triển khai các trình tự theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn.
Theo BCC, thời gian qua có nhiều đối tác quan tâm mua lại vốn đầu tư của BCC. Cụ thể, với Công ty TNHH MTV Thiên Phú, CRC đã cung cấp hồ sơ cần thiết theo đề nghị của đối tác. Ngày 25.2, hai bên tiếp tục làm việc và Công ty Thiến Phú mong muốn mua lại nhà máy.
Đối tác khác là Công ty cổ phần Xi măng Đức Sơn mong muốn mua lại toàn bộ cổ phần và đề nghị BCC cung cấp một số thông tin về dây chuyền sản xuất, báo cáo tài chính, hồ sơ pháp lý, công nợ đối với khách hàng để nghiên cứu. Chào giá bán toàn bộ số cổ phần chi phối. Về công nợ của BCC và CRC, sau khi hoàn tất mua hai bên sẽ rà soát đối chiếu đề trả đầy đủ theo quy định của pháp luật.
7 năm hoạt động cầm chừng vì vướng quy hoạch Được kỳ vọng sẽ trở thành “đầu tàu” sản xuất và cung ứng xi măng cho các tỉnh miền Trung, tuy nhiên từ tháng 5.2015 đến tháng 12.2021, Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân do dân cư sống quanh khu vực phản ứng vì vấn đề ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… Song, bản chất của sự việc là do người dân muốn chính quyền thực hiện di dời các hộ ở khu vực quanh nhà máy đến nơi ở mới. Phương án này nằm trong kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Công ty Sembcorp Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố tại Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 21.1.2015. Rủi ro khách quan, đặc biệt từ chính sách quy hoạch khiến doanh nghiệp “bất lực” khi nhà máy dừng hoạt động. Đến nay, cơ hội mới trở lại với dự án này khi nhà nước có hướng xử lý bất cập nêu trên. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận