Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Việc đặt tên cho các tỉnh sau sáp nhập cần được xem xét trên nhiều tiêu chí. Theo chuyên gia, một trong những phương án khả thi là sử dụng tên của một tỉnh thành hiện có.
Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính, theo đó sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và 60-70% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Cách đặt tên cho các tỉnh thành sau sáp nhập
Vấn đề đặt tên tỉnh sau sáp nhập đang được nhiều chuyên gia quan tâm. Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội), cho rằng đây là bài toán không dễ, khó có phương án nào đáp ứng trọn vẹn mong muốn của tất cả người dân.
Ông Chức nhấn mạnh, mỗi địa phương đều mang bản sắc văn hóa riêng, với những địa danh và dấu ấn lịch sử sâu sắc. Do đó, vấn đề không chỉ nằm ở việc giữ lại tên gọi cũ, mà quan trọng hơn là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của từng vùng.
Lấy ví dụ về Bắc Ninh, ông cho rằng dù tỉnh này có sáp nhập với địa phương nào thì quan họ Bắc Ninh vẫn mãi là niềm tự hào của người Việt. Vì vậy, việc đặt tên không nên chỉ xoay quanh yếu tố địa danh mà còn phải hướng đến sự kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa.
Về phương án đặt tên, ông Chức đề xuất có thể giữ tên của một tỉnh trong số các tỉnh sáp nhập. Địa phương này cần có vị thế trung tâm về văn hóa, lịch sử, kinh tế. Một lựa chọn khác là sử dụng lại tên gọi cũ của các địa phương từng tồn tại trước khi tách nhập, nhằm thể hiện sự kế thừa và gắn kết lịch sử.
Tuy nhiên, dù chọn phương án nào, việc đặt tên cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi. Điều quan trọng nhất, theo ông Chức, là không để tư duy cục bộ cản trở sự phát triển. Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần thay đổi cách nghĩ, hướng đến một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, và việc sáp nhập tỉnh lần này cũng là cơ hội để đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn.
Những yếu tố cần cân nhắc khi đặt tên tỉnh
Cùng quan điểm, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, một nhiệm vụ quan trọng là xác định tên gọi và trung tâm hành chính của tỉnh mới. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan đến sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương.
Theo ông Tuấn, tên gọi của tỉnh mới cần xét đến nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, truyền thống, cũng như vị trí địa lý và tiềm năng phát triển. Trong đó, thủ phủ của tỉnh phải đáp ứng yêu cầu về chính trị, hành chính, quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế.
Một số ý kiến đề xuất lấy tên của một trong các tỉnh sáp nhập để đặt cho tỉnh mới, nhằm tránh những tranh cãi không cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Bên cạnh việc đặt tên, ông Tuấn nhấn mạnh, các cấp chính quyền cần đồng bộ hóa việc phân định chức năng, nhiệm vụ, tái cấu trúc bộ máy hành chính và quản lý nhân sự sau sáp nhập. Việc kiểm kê, kiểm soát tài sản công cũng cần được thực hiện chặt chẽ để tránh lãng phí hoặc thất thoát trong quá trình chuyển đổi.
Như vậy, việc đặt tên tỉnh sau sáp nhập không đơn thuần là vấn đề danh xưng mà còn phản ánh tầm nhìn phát triển của từng địa phương. Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự hài hòa giữa kế thừa lịch sử, bản sắc văn hóa và định hướng phát triển trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường