Sáp nhập ngược GTN và VLC: Thương vụ chưa có tiền lệ
Theo ông Nguyễn Thế Minh, GĐ phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, thương vụ sáp nhập ngược vào công ty con của GTN vào VLC là chưa có tiền lệ trong ngành thực phẩm. GTN sáp nhập ngược nhằm mục đích gì?
Vừa qua, Công ty cổ phần GTNfoods (MCK: GTN) đã thông báo thông qua phương án sáp nhập ngược vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (MCK: VLC - UPCoM). Đồng thời, nếu sáp nhập thành công sẽ hủy niêm yết cổ phiếu GTN trên HOSE.
Trong đó, VLC sẽ thực hiện phát hành thêm cổ phiếu cho tất cả các cổ đông của GTN. Đổi lại, VLC sẽ tiếp nhận toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của GTN được nắm giữ bởi công ty. Kết quả việc hoán đổi, toàn bộ 250 triệu cổ phiếu của GTN đang lưu hành sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu VLC và giúp doanh nghiệp tăng vốn. Dự kiến, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của GTN sẽ được chuyển giao toàn bộ, nguyên trạng cho Vilico.
Song song, Vilico cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để sáp nhập với công ty mẹ hiện tại là GTNFoods.
Ngay sau thông báo của GTN về chuyện sáp nhập, VLC đã công bố định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam, khai thác tối đa dư địa thị trường thịt Việt Nam với quy mô lớn ước khoảng 10 tỷ USD (trong đó mặt hàng trâu/bò là hơn 2 tỷ USD).
Vilico đặt kế hoạch đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nói với DĐDN, về bản chất thương vụ, đây là mối quan hệ gắn với việc xác định cốt lõi kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó mấu chốt nằm ở Vilico và cả Mộc Châu Milk. Được biết, Vilico đang có vốn điều lệ 631 tỷ đồng, trong đó GTN đang là công ty mẹ sở hữu 74,49% vốn, tức nắm 47 triệu cổ phiếu Vilico (đơn vị nắm giữ 51% Mộc Châu Milk).
“Thứ nhất, việc sáp nhập ngược không phải vấn đề cần quá quan tâm, mà ở đây chúng ta cần lưu ý đến tỷ lệ sáp nhập là bao nhiêu? Bởi vì cấu trúc, GTN sở hữu VLC - quan trọng xử lý tỷ lệ như thế nào cho phù hợp”,ông Minh cho hay.
“Thứ hai, lựa chọn mã cổ phiếu nào sẽ đứng đại diện cho chuyện sáp nhập? Theo tôi sẽ lựa chọn VLC là hợp lý, do định hướng trong tương lai GTN muốn vào nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm”,ông Minh cho biết thêm.
Dù vậy, nhìn trong lịch sử ngành thực phẩm, tuy nhiều thương vụ sáp nhập nhưng chưa có tiền lệ cho việc sáp nhập ngược như trường hợp của GTNFoods.
Xét về mặt lợi ích của các bên trong thương vụ này, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng, lợi ích mà VLC có được chính là số lượng tài sản của GTN, khi mà GTN có rất nhiều công ty con, đặc biệt là các tài sản có được trong các đợt đấu giá thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước sẽ là một món hời cho VLC. Nếu được đem số tài sản đó đi định giá lại, sẽ đạt mức định giá rất cao. Điều này có lợi cho VLC, giúp định giá VLC cao hơn. Đây cũng có thể chính là mục đích của GTN.
Về định hướng trong tương lai, trong các kế hoạch của GTN họ cũng đã chia sẻ họ sẽ thoái bớt vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành, tái cấu trúc lại các tài sản đang nắm giữ và chỉ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Như vậy trong thương vụ này VLC sẽ là bên có lợi hơn cả. Bản chất thương vụ này là tối giản bớt đi cấu trúc trước mắt của GTN trong tình hình này, đây là điểm lợi thế cho việc dễ quản lý.
Trước đó, Vinamilk đã mua lại GTN với mục tiêu muốn tái cấu trúc quản lý và kinh doanh của của GTN, mục đích là đẩy biên lợi nhuận của GTN về mức biên lợi nhuận của Vinamilk.
Phản ứng của thị trường trước sự kiện sáp nhập hy hữu này cũng đã phản ánh rõ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư khi cả GTN và VLC đều tăng trần lần lượt lên 26.950 đồng/cp (tăng 6,9%) và 38.400 đồng (tăng 15%) ngay trong phiên giao dịch hôm qua 2/3/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận