Sắp có giá FIT mới cho điện mặt trời
Nhiều doanh nghiệp đang đang ngóng chờ mức giá FIT hỗ trợ mới, cùng với phương án chia vùng, đấu giá... ra sao.
Hiện nay, giá mua bán điện FIT (giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo) cũ cho điện mặt trời đã hết hạn vào 30/6/2019 vừa qua. Trong khi giá FIT mới vẫn chưa có, nhiều doanh nghiệp đang đang ngóng chờ mức giá FIT hỗ trợ mới, cùng với phương án chia vùng, đấu giá... ra sao.
Trao đổi tại Tuần lễ năng lượng 2019 diễn ra ngày hôm nay 17/9, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho rằng, giá FIT chỉ áp dụng một số năm trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Giá FIT 1 của điện mặt trời được áp dụng là 9,35 cent/kWh và kéo dài đến 31/6/2019.
Dự kiến trong tuần này hoặc tuần tới, mức giá FIT mới (FIT 2) áp dụng cho điện mặt trời được Chính phủ họp để quyết định, dự kiến sẽ có thời hạn đến 31/12/2021
Liên quan đến việc đấu thầu, ông Quân đưa ra các phương án: thứ nhất là đấu thầu theo trạm biến áp; theo đó xác định nguồn bao nhiêu, có thể đấu nối trạm biến áp trong vòng bán kính bao nhiêu, thì chọn nhà đầu từ phát triển điện mặt trời; từ đó tìm nhà đầu tư có năng lực và có giá bán điện tốt.
Thứ hai là xây dựng các trang trại mặt trời – công viên mặt trời (solar park); trong đó, nhà nước cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, rồi cho các nhà đầu tư đấu giá. Bộ Công Thương dự kiến tháng 11 trình Chính phủ lấy ý kiến các cơ quan để áp dụng thí điểm năm 2020.
"Với lý do chia vùng, sau khi có tư vấn quốc tế nghiên cứu vùng miền, Bộ Công Thương có đề xuất chia 4 vùng với mức giá khác nhau để dàn nguồn, tránh tập trung vào một khu vực có bức xạ cao, khuyến khích tiêu thụ năng lượng tại chỗ nhằm giảm công suất truyền tải trên hệ thống", ông Quân cho biết thêm.
Theo ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và gần 7.2000MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023 (ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải.
Đối với các điện mặt trời mái nhà, ông Đăng kiến nghị, duy trì cơ chế giá điện 9,35Uscent/kWh như hiện nay để khuyến khích đầu tư tối thiểu thêm 2.000MW. Đặc biệt, sớm hoàn thiện và ban hành các qui định, cơ chế chính sách để thực hiện phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án.
Theo báo cáo từ EVN, trong 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019. Nhờ yếu tố thuận lợi, điện mặt trời đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống.
Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25 - 26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận