Sàn thương mại điện tử có thể xuất hoá đơn thay người bán
Thủ tướng giao Bộ Tài chính sửa Nghị định để người bán có thể ủy nhiệm cho các sàn bán lẻ online lập hóa đơn điện tử giao tới người mua.
Tại công điện ngày 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng giới thiệu, giao sản phẩm đến người tiêu dùng. Song sự phát triển nhanh chóng của hoạt động này khiến cơ quan quản lý gặp thách thức trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thuế...
Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, ông lưu ý quy định người bán có thể ủy nhiệm cho các sàn lập hóa đơn điện tử giao cho người mua. Cùng đó, các bộ ngành có trách nhiệm cùng Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp này.
Trước đó, đề xuất người bán uỷ quyền cho sàn thương mại điện tử xuất hoá đơn thay cũng từng được Tổng cục Thuế đưa ra trong dự thảo sửa Nghị định 123. Theo nhà chức trách, quy định này sẽ giúp tất cả giao dịch mua bán online dù lớn hay nhỏ đều sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ. Việc này cũng hỗ trợ quản lý thuế, doanh thu và tính hợp pháp của giao dịch, giúp người bán chứng minh được nguồn gốc hàng hóa.
Theo quy định, người bán hàng sẽ phải xuất hoá đơn điện tử cho người mua. Nhưng thực tế hiện chỉ có một số gian hàng chính hãng của các thương hiệu trong và ngoài nước trên các sàn xuất hoá đơn cho khách. Còn lại những người bán nhỏ hầu như chưa thực hiện. Việc này tiềm ẩn nguy cơ thất thoát về thuế cho ngân sách Nhà nước.
Yêu cầu ngành tài chính quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử từng được Thủ tướng đưa ra tại hội nghị đầu tháng 6. Thời điểm đó, ông giao các địa phương phải bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử đến người tiêu dùng. Với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử, ông yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.
Hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong những năm qua. Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngoài quy định về hoá đơn, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương rà soát các chính sách về quản lý thương mại điện tử, gồm các hoạt động xuyên biên giới. Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu quy định nhằm tăng chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động với các vi phạm liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các quy định về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù với các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận