Sẵn sàng triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Để hướng đến 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Đề án vừa được Chính phủ thông qua đòi hỏi rất nhiều việc phải làm.
Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Những năm qua, ngành lúa gạo đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta. Sản xuất lúa gạo đã có những thành tựu đột phá, tuy nhiên, người nông dân vẫn đối mặt với những áp lực về giá cả bấp bênh.
Chuỗi ngành lúa gạo hiện nay được “mặc định” thành 3 khâu cơ bản: khâu cung cấp đầu vào (là các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp, giống); khâu sản xuất (là người nông dân/hợp tác xã); khâu tiêu thụ sản phẩm (là thương lái và doanh nghiệp mua bán nội địa, xuất khẩu).
Mới đây, Chính phủ vừa duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Trong thời gian xây dựng đề án để trình Chính phủ phê duyệt, nhiều địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long rất hưởng ứng, mong chờ đề án nhanh chóng đi vào thực tế.
Việc thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, hạn chế tình trạng cắt khúc như hiện nay để giúp nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi lâu dài, giúp nhau cùng tiến.
Là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của tỉnh Kiên Giang đạt tới 4,3 triệu tấn, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh thực hiện đưa 60.000 ha vào sản xuất ngay từ năm 2024.
"Kiên Giang đã rà soát quy hoạch hết sức cụ thể các vùng, định hướng các hợp tác xã, các khu vực, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Kiên Giang tham gia triển khai theo đúng mục tiêu, đề án đã đề ra", ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết.
Trong đề án đặt ra mục tiêu khá chi tiết, đến năm 2030 giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%, 1 triệu hộ trồng lúa sẽ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững.
"Nếu làm được dự án này thì lúa gạo mình mới có giá trị. Mình bán trước mắt thì tất nhiên doanh nghiệp sẽ mua hỗ trợ cho người nông dân với giá cao lên", ông Trịnh Công Minh, Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho hay.
Đề án dự kiến được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha đến năm 2030, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 - năm 2025 củng cố 180.000 ha của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT. Còn giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030 mở rộng ra trên 820.000 ha.
Triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo các giai đoạn
- Tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng: Được quy hoạch là đất chuyên trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với quy hoạch cấp tỉnh và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích liền mảnh tối thiểu là 50 hecta; có hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư cơ bản; hạ tầng điện, viễn thông và hậu cần đảm bảo hỗ trợ tốt cho sản xuất, chế biến kinh doanh lúa gạo.
- Tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh: Vùng được đề xuất hiện có trên 20% diện tích canh tác lúa đã áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ tiêu chuẩn SRP hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, trên 70% diện tích canh tác lúa đã sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương; 100% hộ trong vùng cam kết thu gom rơm khỏi đồng ruộng để chế biến tái sử dụng.
- Tiêu chí về tổ chức sản xuất: Diện tích đã liên kết đạt trên 30% tổng diện tích, trong đó có 50% số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp; trên 40% hộ trong vùng đã được tập huấn quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững hoặc các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận; có tổ chức khuyến nông tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
- Tiêu chí doanh nghiệp tham gia liên kết: Doanh nghiệp tham gia Đề án phải có liên kết với hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân ít nhất về bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp cam kết tham gia Đề án và có năng lực để tổ chức, giám sát quá trình sản xuất lúa gạo ở vùng liên kết.
Giai đoạn 1 (2024 - 2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 hecta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 hecta. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục
Thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam có giá cao nhất thế giới. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với tháng cùng kỳ. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Đáng chú ý, nếu đặt trong bối cảnh 34 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, những con số trên là biết nói. Ngành gạo từ việc xuất khẩu chú trọng sản lượng, nay gạo Việt Nam đã có giá cao nhất thế giới, chất lượng cũng ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia lâu lăm của ngành gạo, gạo Việt Nam đang dần thiết lập được chỗ đứng mới trên thị trường thế giới.
Dự báo xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp khẳng định gạo Việt Nam đã xác lập được vùng giá mới và ngắn hạn vẫn duy trì mức cao. Chính các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nhờ sản lượng xuất khẩu đều đặn mỗi năm khoảng 7 triệu tấn, chính sách xuất khẩu cũng ổn định, nên vị thế của những nhà sản xuất gạo Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trên thị trường gạo thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận