menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bình Minh

Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng, không để tình trạng “đội giá”

Nguồn cung hàng hóa ổn định, dồi dào, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết không tăng giá trước và sau Tết một tháng.

Hối hả chuẩn bị nguồn hàng Tết

Theo VOV, thành phố Hà Nội đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 39 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường. Hiện có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng giá trị hàng hoá là 18 tỷ đồng. Sở Công Thương thành phố Hà Nội cũng kết nối với 53 tỉnh, thành để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ thị trường Tết. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh triển khai bán hàng thương mại điện tử; bán hàng tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng OCOP… phục vụ nhu cầu người dân.

Dự kiến, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có thể lưu thông hàng hoá sẽ đối mặt khó khăn như thiếu nguồn nhân lực do nhiều đối tượng là F0, F1; giá hàng hoá gia tăng do giá đầu vào của nguyên vật liệu tăng… Sở Công Thương xác định bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội để nắm bắt diễn biến dịch, từ đó triển khai bảo đảm lưu thông hàng hoá phục vụ người dân trong mọi tình huống.

Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp sản xuất ổn định, hoạt động lưu thông bình thường; tổ chức các chợ hoa Xuân bảo đảm phòng chống dịch; hỗ trợ nông dân Hà Nội và các tỉnh đưa hàng hóa vào các chợ, các điểm phục vụ Tết.

Bên cạnh đó, tại Tp.HCM, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 91% (tăng 01 chợ so với ngày 24/12/2021). Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Đối với 03 Chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền: Từ ngày 20/12/2021 cả 3 chợ đầu mối đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19; các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và cho các tỉnh.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 26/12 và sáng 27/12 tăng 4,4% so với trước, ước đạt 10.778,9 tấn/ngày. Trong đó: Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 26/12 ước đạt 2.060 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại). Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 27/12 tăng 3,6% so với ngày 26/12, ước đạt 5.121 tấn/đêm.

Hỗ trợ, đảm bảo chuỗi cung ứng

Theo báo Tin tức, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.

Nhóm các mặt hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm: Nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: Khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn...

Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng, không để tình trạng “đội giá”

Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng: 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…

Nhận định diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022, hoạt động mua sắm hàng hóa tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu bên cạnh bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, cần chuẩn bị phương án bảo đảm hàng hóa sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021 - 2022, phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chương trình bình ổn giá sẽ triển khai đối với 19 mặt hàng gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa, vở học sinh.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, các chợ truyền thống cũng đang dần khôi phục trở lại trong điều kiện hậu giãn cách xã hội và "bình thường mới". Theo đánh giá của Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, sự phục hồi dần của kênh phân phối truyền thống, từ đầu tháng 10 đến nay đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá các mặt hàng rau củ, trái cây... về mức hợp lý hơn so với giai đoạn Tp.Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố khu vực phía nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tại Tiền Giang, UBND địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, các đơn vị sẽ được xem xét cho vay ưu đãi với mức giảm từ 1,5 - 2,5% so lãi suất thông thường trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân, với nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị sẽ được hỗ trợ kinh phí treo băng rôn tuyên truyền, cổ động tại các điểm bán hàng bình ổn.

Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng, không để tình trạng “đội giá”

Theo ghi nhận, đến nay có 3 đơn vị được hưởng chính sách cho vay ưu đãi theo chương trình là: Hợp tác xã thương mại – dịch vụ Phường 1 (thành phố Mỹ Tho), Công ty Lương thực Tiền Giang và Hợp tác xã Vĩnh Kim, với tổng số tiền được vay ưu đãi để dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán gần 28,9 tỷ đồng.

Tới đây, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan khẩn trương thực hiện việc dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu theo kế hoạch được duyệt, ưu tiên dùng hàng Việt; đồng thời, mở rộng mạng lưới bán lẻ trên địa bàn, đăng ký và niêm yết giá bán từng mặt hàng cụ thể; tích cực tham gia chương trình Hàng Việt về nông thôn…

Cụ thể, các đơn vị được khuyến khích bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng chủng loại tại thời điểm đăng ký. Mỗi đơn vị có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán, niêm yết giá công khai từng mặt hàng thiết yếu diện bình ổn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như tuân thủ quy định chung về dự trữ và bán hàng bình ổn cũng như kiểm tra, giám sát của ngành chức năng về triển khai thực hiện Chương trình dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài nhưng tại các tỉnh, thành phía Nam nguồn hàng thiết yếu phục vụ tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tương đối tốt.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, theo kế hoạch trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 được sở Công thương công bố, thành phố đã chuẩn bị hơn 19.800 tỷ đồng hàng hóa.

Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo đảm được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao, nhiều nhóm hàng chiếm từ 22%-54,5%, đủ sức chi phối thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…Nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá dịp tết.

Hệ thống đại siêu thị GO, Big C, và chuỗi siêu thị Tops Market (thuộc Tập đoàn Central Retail) cũng đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Sẵn sàng nguồn hàng cung ứng, không để tình trạng “đội giá”

Trong đó, chương trình “Giá luôn luôn thấp” được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, GO, Big C cam kết không tăng giá bán tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, áp dụng với hàng ngàn sản phẩm...

UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng triển khai chương trình thực phẩm bình ổn lưu động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người lao động, công nhân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình đã tổ chức bán hàng lưu động định kỳ tại Khu công nghiệp Pouyuen, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2…

Tại Đà Nẵng, Sở Công thương Đà Nẵng cũng cho biết, UBND Tp.Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ hàng hóa trong dịp tết nguyên đán với tổng giá trị hàng hóa khoảng 1.900 tỷ đồng….

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại