Sai phạm về giao đất, lấn chiếm đất rừng liên quan đến nhiều cựu lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh báo cáo việc giao đất, quản lý sử dụng đất, lấn chiếm đất rừng, phá rừng và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp xảy ra ở địa bàn.
Ngày 22/7, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký văn bản yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh báo cáo việc giao đất, lấn chiếm đất rừng, phá rừng và xây dựng trái phép trên địa bàn, theo phản ánh của báo chí.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo các vụ việc trên về UBND tỉnh, trước ngày 25/7.
Căn nhà sàn của bà Thâm được xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ. Ảnh: Trương Định
Tại huyện này, thời gian qua, Tiền Phong đã phản ánh thực trạng vi phạm đất đai. Điều đặc biệt, các trường hợp đều có liên quan trực tiếp đến người thân cán bộ, đảng viên, cũng như nguyên lãnh đạo của huyện này qua các thời kỳ.
Cụ thể, trường hợp bà Trương Thị Lệ Thâm (nguyên lãnh đạo Phòng Y tế thuộc UBND huyện Vĩnh Thạnh) tự ý chiếm đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý với diện tích 58,2 m2 tại khoảnh 1, tiểu khu 184b, thuộc thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, để dựng nhà sàn trái phép.
Được biết, bà Thâm là vợ ông Trần Quốc Biểu – Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh (ông Biểu là em ruột của ông Trần Công Sý và ông Trần Quốc Lại, cả hai ông này đều là nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh).
Một trường hợp khác cũng liên quan đến gia đình nguyên cán bộ huyện Vĩnh Thạnh là dự án Trung tâm vui chơi giải trí thể thao của bà Võ Thị Ánh Nhạn (bà Nhạn là vợ ông Trần Công Sý – nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh).
Năm 2014, UBND huyện Vĩnh Thạnh có Quyết định cho bà Nhạn thuê 7.947,3 m2 đất (hơn 0,7 ha), xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí thể thao. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm với giá 3.360 đồng/m2/năm.
Làm việc với PV, ông Lý Hoài Nam, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, khu đất UBND huyện cho bà Nhạn thuê trước đây được quy hoạch đất công viên.
Theo ông Nam, qua kiểm tra, huyện cũng nhận thấy một số vấn đề không ổn. Cụ thể, là diện tích cho thuê vượt thẩm quyền. Đối với diện tích trên 5.000m2 nếu chuyển mục đích kinh doanh thương mại thì phải xin ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh. Tuy nhiên, huyện Vĩnh Thạnh lại không xin ý kiến của UBND tỉnh.
Trường hợp thứ ba là dự án Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Vĩnh Thạnh của ông Nguyễn Chí Tranh. Dự án này có dấu hiệu vi phạm một số vấn đề và đang được kiểm tra.
Các công trình được xây dựng trái phép trong Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Vĩnh Thạnh. Ảnh: Trương Định
Cũng theo ông Lý Hoài Nam, dự án được cấp đất năm 2014 với diện tích 11ha. Hiện, dự án chưa có giấy phép xây dựng, tuy nhiên chủ đầu tư đã tự ý xây dựng một số hạng mục công trình. Ngoài ra, chủ đầu tư còn tự ý mở đường không theo quy hoạch ban đầu.
Ngoài ra, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng đang cho rà soát, kiểm tra nguồn gốc đất và việc chuyển nhượng của hơn 138 ha đất rừng liên quan gia đình nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim.
Liên quan vấn đề quản lý, lấn chiếm đất đai, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) vừa qua, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến các vụ lấn chiếm đất đai của huyện Vĩnh Thạnh. Theo ông Long, những vụ việc này cần làm từng bước vì có quá trình từ lâu, làm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Sai đến đâu xử đến đó theo quy định của Đảng và pháp luật. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận