Rủi ro với triển vọng kinh tế Việt Nam 2024
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới đối diện với rủi ro từ sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cập nhật mới nhất cho biết, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay đã giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%.
Trong khi đó, tăng trưởng vào năm sau được ước tính duy trì ở mức 6%.
ADB đánh giá, nhu cầu bên ngoài phục hồi yếu hơn dự kiến tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước.
Chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động, được hỗ trợ bởi việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ giúp kiểm soát lạm phát.
Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm nay và 4% vào năm sau.
Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) đầu tháng này, các chuyên gia đánh giá, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm không mấy dễ dàng với triển vọng của Việt Nam khi những khó khăn nội tại kéo dài.
Cùng với đó, tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm nhẹ. Tăng trưởng kinh tế của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm.
Không chỉ vậy, lạm phát dự báo sẽ vẫn duy trì ngưỡng cao, đồng nghĩa với việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ khó khăn hơn.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) còn chỉ ra rằng, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như TP.HCM, Hà Nội đang tăng trưởng chậm dần, một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa chưa thực sự mạnh mẽ.
Trong công bố nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam mới đây, Fitch Ratings chỉ ra rằng, một số thách thức đối với kinh tế Việt Nam bao gồm các khó khăn về tăng trưởng trong ngắn hạn, các chỉ số về phát triển thấp hơn với những quốc gia trong cùng phân khúc phát triển…
Theo Fitch, với việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ kích thích tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác.
Đồng thời, nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận