Reserved Matters: Điều khoản này có ý nghĩa như thế nào với cả startup và nhà đầu tư?
Hôm nay tôi có dịp được thảo luận sâu sắc cùng với một startup về Reserved Matters dựa trên góc nhìn của cả hai bên - startup và nhà đầu tư. Tôi đã từng chia sẻ về 5 điều khoản quan trọng trong mọi hợp đồng đầu tư startup, trong bài blog của mình hơn một năm rưỡi về trước.
Trong 5 điều khoản đầu tư đó, có Reserved Matters. Đây là điều khoản quy định những quyết định quan trọng trong hoạt động của startup cần được sự đồng ý thông qua của nhà đầu tư. Khi hiểu được góc nhìn từ cả hai phía, chúng ta sẽ nhận ra chiều sâu thực sự của Reserved Matters.
Đầu tiên, đứng từ phía nhà đầu tư, Reserved Matters có vai trò lớn trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số tại startup. Thường các quỹ đầu tư VC như chúng tôi, hầu như chỉ sở hữu khoảng trên dưới 10% cổ phần tại startup, nên được coi là cổ đông thiểu số. Như mọi người thường thấy, đã là thiểu số thì sự ảnh hưởng tới quyết định tại công ty vốn không có nhiều. Thực tế theo luật doanh nghiệp nói chung có xu hướng, là cổ đông lớn chiếm đa số, sẽ có nhiều ảnh hưởng trong việc thông qua quyết định tại công ty. Ví dụ như nhóm chiếm đa số tại BOD sẽ thông qua quyết định quan trọng trước, rồi tới các thành viên khác trong ban giám đốc BOD. Rồi các thành viên BOD cũng sẽ là đại diện thông qua các quyết định theo quy định, cho tất cả các cổ đông khác tại công ty. Sẽ có những quyết định còn lại được quy định là cần được thông qua ít nhất bởi % chấp thuận từ tất cả các cổ đông tại công ty, nhưng thường những quyết định đó sẽ bị giới hạn hơn so với các nhóm đa số kể trên. Do đó, Reserved Matters xuất hiện giúp các cổ đông nói chung, và cổ đông thiểu số nói riêng được gia tăng thêm quyền tham gia vào việc ra quyết định quan trọng tại công ty. Có thể nói Reserved Matters có thể làm thay đổi giá trị thực tế của quyền sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư liên quan tới quyền biểu quyết.
Mặt khác, đứng từ phía startup, Reserved Matters không nên là “vòng kim cô” làm gò bó, ảnh hưởng tới sự linh hoạt cần có, làm chậm quá trình ra quyết định và đưa vào thực thi triển khai của startup, đặc biệt là với startup luôn bị đặt trong áp lực guồng quay thay đổi nhanh chóng để phát triển của mình. Tuy nhiên, startup cũng cần được đảm bảo việc ra quyết định tại công ty cần có quy trình minh bạch, đảm bảo tính hiệu quả và tính hợp pháp của từng quyết định của mình, nhằm thúc đẩy công ty phát triển.
Khi có sự thấu hiểu mong muốn này của cả 2 bên, chúng ta có thể hiểu được sự căng thẳng như “kéo co” của cả hai khi thương lượng, nâng lên đặt xuống các điều khoản nằm trong Reserved Matters này. Tuy nhiên, tôi tin rằng tiền đề quan trọng cho bất kỳ một mối quan hệ đầu tư nào nói chung, đều cần niềm tin. Niềm tin càng mạnh mẽ, với những người tham gia chuyên nghiệp uy tín thì sự “kéo co” thương lượng đó không cần thiết phải căng thẳng. Dựa trên niềm tin đó, cả nhà sáng lập và nhà đầu tư cần phải tìm ra những điểm cân bằng cho mong muốn của cả hai bên - một bên cần sự bảo vệ quyền lợi, một bên cần sự linh hoạt.
Thông thường, các hoạt động quy định thường thấy trong Reserved Matters sẽ là:
Thực hiện việc áp dụng hoặc sửa đổi điều lệ hiện tại của công ty
Thay đổi quyền liên quan đến cổ phiếu, thay đổi cấu trúc vốn của công ty
Tuyên bố cổ tức hoặc phân phối lợi nhuận
Tham gia vào các liên doanh hoặc hợp tác, hoặc vay tiền với bên thứ ba
Thực hiện bất kỳ thay đổi quan trọng nào đối với hoạt động kinh doanh.
Thay đổi các điều kiện làm việc của các đội ngũ chủ chốt.
Bất kỳ sự thanh lý hoặc giải thể của Công ty.
Thay đổi thành viên ban giám đốc trong Hội đồng quản trị BOD
Hơn nữa, Reserved Matters về cơ bản được chia ra làm hai tầng cần được thông qua: Tầng BOD và tầng Shareholder - Cổ đông nói chung. Ở mỗi tầng sẽ quy định những quyết định cụ thể nào sẽ cần được thông qua bởi ai, hoặc cần ít nhất bao nhiêu % tỉ lệ chấp thuận để được thông qua. Về cơ bản, sẽ có nhiều điều khoản Reserved Matters hơn ở tầng BOD, bao gồm chi tiết tất cả nội dung liên quan tới các hoạt động quy định ở trên, cần sự đồng thuận (consent) của các thành viên ban giám đốc trong BOD. Còn những quyết định ở tầng cổ đông sẽ thường liên quan tới những điều cơ bản và được lược giản hơn so với ở tầng BOD.
Các nhà sáng lập và nhà đầu tư sẽ cần thương lượng cụ thể về những điều khoản này, với sự đồng thuận theo tỉ lệ % bao nhiêu, từ các cổ đông nhà đầu tư tham gia. Trong trường hợp ở vòng gọi vốn đầu tiên của startup có một nhà đầu tư tham gia, thì thường chỉ cần sự đồng thuận của nhà cổ đông là nhà đầu tư đó. Tuy nhiên sau mỗi vòng gọi vốn, có nhiều sự tham gia hơn của các nhà đầu tư, startup sẽ cần thương lượng mức % cụ thể hơn. Đó có thể là 2/3 sự đồng ý của tất cả cổ đông nói chung, hoặc 75% sự đồng ý của cổ đông nhà đầu tư cho Reserved Matters ở tầng cổ đông. Tương tự cũng áp dụng để thương lượng cho Reserved Matters ở tầng BOD.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về Reserved Matters và việc thương lượng điều khoản này ở mức dung hoà cân bằng được mong muốn của cả hai bên quan trọng như thế nào tại startup. Hi vọng, bài viết này có ý nghĩa tham khảo cho các nhà sáng lập và nhà đầu tư trước khi bắt đầu vào cuộc “kéo co” thương lượng hợp đồng đầu tư giữa hai bên nhé! Yeah, just keep fighting!!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận