REE chuyển giao thế hệ
Cuộc chuyển giao đã được chuẩn bị từ lâu với kỳ vọng tạo một bước tiến mới mạnh mẽ hơn.
Công ty Cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) vừa tiến hành chuyển giao thế hệ. Đây được xem là một trong những bước chuyển quan trọng nhất ở REE, kể từ khi Công ty thành lập đến nay.
Mới mà cũ
Theo thông tin công bố, REE vừa chính thức ra mắt nhân sự cấp cao, gồm CEO và 2 phó tổng giám đốc mới. Ban điều hành này sẽ thay thế bà Nguyễn Thị Mai Thanh lèo lái REE tiến vào giai đoạn mới.
Đây thực sự là thông tin đáng chú ý bởi lâu nay, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được xem như linh hồn của REE. Trong 43 năm REE thành lập, đến 38 năm có sự hiện diện của bà. Người phụ nữ này đã ghi nhiều dấu ấn đậm sâu về tài cầm quân nổi bật, đến mức cứ nhắc đến bà Nguyễn Thị Mai Thanh là người ta nhớ đến REE và ngược lại. Dù vậy, sau thời gian cống hiến, gắn toàn bộ tuổi trẻ và sự nghiệp vào REE, bà Mai Thanh không ít lần bày tỏ thế hệ trẻ phải đảm nhận vai trò điều hành.
Về mặt luật lệ, Nghị định 71/2017/NĐ-CP cũng đặt ra yêu cầu, kể từ 1.8.2020, một người không được kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch và CEO trong cùng một công ty đại chúng. Vì thế, theo chia sẻ tại Đại hội cổ đông mới đây, nhiều năm nay, REE đã nỗ lực tìm kiếm người thay thế, với những tiêu chí khá cao, đòi hỏi kinh nghiệm về các mảng mà REE đang hoạt động, có kỹ năng kinh doanh tốt và trẻ. Tuy vậy, như bà Mai Thanh tâm sự với cổ đông “Công ty phỏng vấn nhiều người mà vẫn không tìm được”.
Cuối cùng REE lựa chọn được một người để đưa sang nước ngoài đào tạo 2 năm và đã sẵn sàng tiếp quản vị trí CEO. Nhân vật này không ai xa lạ chính là ông Huỳnh Thanh Hải, người đã gia nhập REE từ năm 1994, đã cùng làm, cùng gắn bó với REE suốt 26 năm nay. Trong khoảng thời gian ấy, ông Hải đi qua nhiều vị trí ở REE, từ thấp lên cao, như kỹ sư công trường (giai đoạn 1994-2002), Giám đốc quản lý dự án REE M&E (2003-2008), Giám đốc REE M&E (2008-2013), Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng cơ điện lạnh (2013 đến nay).
Bất cứ ai, hễ làm việc ở đâu hàng chục năm cũng đều thấu tỏ, thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp và yêu mến công ty ấy như máu thịt. Đây là lý do để thị trường tin rằng, bước chuyển giao thế hệ ở REE sẽ không gây ra rủi ro xáo trộn vì thực chất của chuyển giao này là kế thừa, viết tiếp những gì REE đã tạo dựng.
Chuyển mình từ trước
REE đã đi chặng đường dài gần nửa thế kỷ với phần lớn thời gian do một người cầm quân duy nhất. Dù vậy, ở REE không có sự cũ kỹ, đứng yên, bảo thủ. Thị trường vẫn thường xuyên thấy REE chuyển động, thay đổi, khác biệt và trưởng thành rất nhiều so với giai đoạn đầu.
Nếu buổi ban đầu, tiền thân của REE chỉ là một xí nghiệp cơ điện lạnh và trực thuộc nhà nước, thì ngay khi Việt Nam mở cửa, REE là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn cổ phần hóa (1993). Ba năm sau, REE phát triển sản phẩm điện lạnh mang thương hiệu riêng Reetech. Tiếp đó, REE tiên phong phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài và trở thành công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Mười năm sau (2001-2011), REE không ngừng thay đổi, như tiến bước vào lĩnh vực bất động sản với các dự án mang tên e.town (1, 2, 3, 4), tái cấu trúc mảng cơ điện lạnh thành 2 công ty riêng (REE M&E và Điện máy R.E.E), mở rộng đầu tư vào ngành điện, nước và đưa tòa nhà văn phòng cho thuê REE Tower vào khai thác. Từ đó đến nay, REE tiếp tục có những dấn bước mới mẻ như gia tăng số lượng các công ty trực thuộc REE, đưa tòa nhà e.town Central và e.town 5 vào khai thác, đẩy mạnh đầu tư vào ngành nước sạch và năng lượng tái tạo.
Về kinh doanh, từ chỗ chỉ là phân xưởng với vài cái máy chạy lẹt xẹt, giờ đây, REE đã đạt đến quy mô vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ đồng, doanh thu lợi nhuận mỗi năm thu về hàng ngàn tỉ đồng. Trong tương lai, REE có kế hoạch mở rộng vị thế của nhà phát triển văn phòng thương mại lớn nhất tại Việt Nam thông qua việc tăng gấp đôi diện tích cho thuê hiện tại và thiết lập sự hiện diện tại các thị trường dân cư/thương mại tỉnh/thành chọn lọc.
Trước mắt, REE lên kế hoạch phát triển và đưa vào khai thác dự án e.town 6 từ năm 2023. REE cũng sẽ tiếp tục đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, điện gió và nước sạch, làm sao để REE có thể đạt công suất thiết kế gấp đôi hiện tại (1.000 MW đối với năng lượng tái tạo và 1 triệu m3/ngày đối với nước sạch).
Ngoài ra, REE còn đặt mục tiêu đạt 1 tỉ USD vốn hóa thị trường trong 5 năm tới cũng như duy trì tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiếu 15%/năm.
REE cũng đang chuẩn bị tái cấu trúc tổ chức theo mô hình holdings company. Cụ thể, REE dự tính sẽ chia 12 công ty thành viên trực tiếp và các khoản đầu tư tại 19 công ty liên doanh liên kết vào thành 4 holdings, tương ứng với 4 mảng: M&E và máy lạnh, bất động sản, nước, điện. Đây được xem là cách thức thích hợp để Công ty phản ánh đầy đủ kết quả kinh doanh, hiệu quả, tiềm năng sinh lời của từng mảng hoạt động cũng như dễ dàng quản lý tách biệt và gọi vốn cho từng dự án.
Rõ ràng, nhiều thách thức đang đặt lên vai Ban điều hành mới. Dù vậy, với định hướng và chiến lược cụ thể, với quy trình hệ thống được tổ chức lại, với từng kế hoạch lập ra đều dựa trên những cơ sở nhất định, đặc biệt là với một ban điều hành tuy mới nhưng đã đồng hành cùng REE hàng chục năm qua, rất am tường thấu hiểu về REE, giới đầu tư có thể lạc quan về tính khả thi của các mục tiêu mà REE theo đuổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận