'Rã đông' dòng tiền vào trái phiếu, chứng khoán
Các kênh đầu tư, dẫn vốn đang thể hiện những xu hướng khác nhau, do tác động từ tình hình vĩ mô, hay những thay đổi về chính sách như room tín dụng
Dòng tiền chờ cơ hội quay lại thị trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Giới phân tích nhận định, với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng, Nghị định 65 ra đời sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp.
Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Hoạt động phát hành TPDN vừa qua khá yếu. Nghị định 65 ra đời được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu.
Điểm mới của Nghị định 65 là thành lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Đây là phương án khả thi để cải thiện mức thanh khoản của thị trường hiện tại.
Theo tính toán của công ty phân tích dữ liệu FiinGroup, sẽ có khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng giá trị TPDN đang lưu hành vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ được đưa vào hệ thống mới.
Nghị định 65 dự báo sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro mất cân đối nguồn vốn hệ thống ngân hàng, do đó các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới. Thực tế cho thấy, tín dụng bất động sản có đến 94% nguồn vốn là cho vay trung và dài hạn nhưng lại đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại vốn có bản chất huy động ngắn hạn.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ TPDN đang lưu hành đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng và mới chỉ tương đương 1/3 tổng dư nợ tín dụng vay trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc thị trường TPDN đang tăng trưởng rất nhanh và còn nhiều dư địa phát triển. Nghị định 65 được kỳ vọng sẽ giúp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.
Với chứng khoán, theo dữ liệu của FiinGroup, năm 2021 giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân rất cao và đây là dòng tiền nâng đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân bắt đầu suy giảm và có xu hướng thận trọng.
Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, dịch vụ thông tin tài chính (FiinGroup) nhận định, mặc dù nhà đầu tư đã rút tiền nhưng một lượng tiền lớn vẫn nằm trong tài khoản. Tính tới cuối quý 2/2022, có khoảng 70.000 tỷ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán và dòng tiền này vẫn đang chờ cơ hội thuận lợi để quay trở lại thị trường.
Những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản liên tục dò đáy, HoSE nhiều phiên khớp lệnh không tới 10.000 tỷ đồng.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp phân tích, dòng tiền yếu thể hiện lực cầu không đủ mạnh, nhưng cũng cho thấy, bên bán không đủ hàng để “đạp sâu" bối cảnh hiện tại khác hẳn thời VN-Index lập đỉnh 1.536 điểm và xuống dốc "không phanh". Lúc đó, thanh khoản cao cũng là “con dao 2 lưỡi”, trong trường hợp tâm lý bán tháo xảy ra.
"Cởi trói" room tín dụng
Nhu cầu vốn của ngành bất động sản gây sức ép trong khi các các ngân hàng mặc dù đã được nới room nhưng không quá nhiều khiến cho áp lực ngày một tăng cao. Hơn nữa, trong thời gian tới các tổ chức này vẫn tiếp tục phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 34% theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 vừa diễn ra, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, cơ quan này giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022, vì lo ngại nới thêm có thể ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất.
Dù room tín dụng bị cho là biện pháp hành chính, đi ngược cơ chế thị trường, nhưng theo các chuyên gia, hiện tại chưa phải thời điểm có thể bỏ công cụ này. Việt Nam có thể bỏ room tín dụng, nhưng không phải bây giờ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ít nhất là 1-2 năm, hay thậm chí là 5 năm nữa mới có thể loại bỏ được room tín dụng.
“Vấn đề là chúng ta phải khôi phục được thị trường tín dụng ngân hàng lành mạnh, cạnh tranh một cách bình đẳng và quan trọng nhất là chúng ta phải loại bỏ các nhân tố sẵn sàng phá luật, gây hại cho thị trường. Chỉ khi đó chúng ta mới quay lại sử dụng những công cụ thị trường. Có nghĩa là công cụ thị trường phải được sử dụng trong một thị trường thật sự phát triển và lành mạnh chứ không thể duy ý chí trong câu chuyện thị trường này”, ông Ánh phân tích.
Cũng theo ông Ánh, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang đối mặt với “tam giác bất khả thi” (lãi suất - tỷ giá - dòng vốn nước ngoài). Để đảm bảo dòng vốn vào Việt Nam không bị ảnh hưởng, kể cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, chỉ có 1 trong 2 lựa chọn: Ổn định lãi suất hoặc ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ. Đây đang là lựa chọn khó khăn nhất của chính sách tiền tệ.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, trần tín dụng đang là vấn đề còn tranh cãi, nhưng hiện vẫn cần duy trì công cụ này đến hết năm tới do nhu cầu về vốn của nền kinh tế rất khác so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, việc giữ room tín dụng còn là công cụ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, mặt bằng lãi suất,...
"Dù vậy, trong 1-2 năm tới cần nghiên cứu để thay công cụ này bằng một công cụ thị trường và gián tiếp hơn", ông Cấn Văn Lực nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận