Quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới chuẩn bị cho kịch bản toàn cầu “hạ cánh cứng”
Nhà quản lý quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới cho biết thị trường quá lạc quan về khả năng tránh suy thoái của các ngân hàng trung ương khi họ vẫn đang phải chống lại lạm phát ở cả Mỹ và châu Âu.
Daniel Ivascyn, giám đốc đầu tư tại Pimco, quỹ quản lý tài sản trị giá 1,800 tỷ USD, cho biết ông đang chuẩn bị cho một cuộc “hạ cánh” khó khăn hơn của nền kinh tế khi mà các ngân hàng trung ương hàng đầu chuẩn bị tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất.
Ông Ivascyn trả lời Financial Times rằng: “Mọi người càng cảm thấy có động lực để thắt chặt thì càng có nhiều bất ổn xung quanh độ trễ của tác động và rủi ro đối với triển vọng kinh tế càng cực đoan”.
Ông lưu ý rằng trước đây, khi lãi suất tăng, thị trường thông thường sẽ cảm nhận tác động trong 5 hoặc 6 quý sau đó.
Ông nói: “Chúng tôi cho rằng thị trường có thể vẫn quá tin tưởng vào chất lượng và tính hiệu quả của các quyết định của ngân hàng trung ương. Thị trường hơi quá lạc quan về khả năng các ngân hàng trung ương nhanh chóng hạ lãi suất chính sách như những gì mà đường cong lợi suất đang thể hiện”.
Thực tế là Fed, ECB và ngân hàng trung ương Anh đều đã nhanh chóng tăng lãi suất sau khi bị chỉ trích đã phản ứng quá chậm khi lạm phát gia tăng. Tại hội nghị vừa qua ở Sintra, Bồ Đào Nha, người đứng đầu của cả ba ngân hàng trung ương trên đều chỉ ra rằng có thể cần phải hành động nhiều hơn vì áp lực lạm phát vẫn còn.
Pimco đang tái định vị các quỹ đầu tư để tăng mức độ phòng thủ và thanh khoản hơn, nhằm thu hút nhà đầu tư quay trở lại sau một năm tồi tệ đối với các quỹ trái phiếu vào năm 2022.
Pimco ghi nhận dòng tiền chảy ra 75 tỷ EUR vào năm ngoái, nhưng ông Ivascyn cho biết dòng tiền đã cải thiện đáng kể khi các nhà đầu tư nắm bắt thời điểm lợi suất cao hơn hiện nay. Pimco đã thu hút được 14 tỷ EUR tài sản trong quý đầu tiên của năm nay, Allianz, công ty mẹ của Pimco, cho biết.
Mặc dù Pimco cho rằng “hạ cánh mềm” là kịch bản có thể xảy ra nhất đối với kinh tế Mỹ, song ông Ivascyn cho biết tập đoàn đang tránh những thị trường dễ bị tổn thương nhất trong các đợt suy thoái kinh tế.
Hiện tại, ông ủng hộ trái phiếu doanh nghiệp và Chính phủ chất lượng cao. Ông đang chờ thời điểm xếp hạng tín dụng của các công ty bị hạ xuống, bởi ông cho rằng nó sẽ thúc đẩy làn sóng ép bán tài sản trong những tháng và năm tiếp theo. Đó sẽ là thời điểm để chộp lấy những món hời, ông cho biết.
“Hãy giữ một phần tiền mặt vì chúng tôi nghĩ rằng hai, ba năm tới sẽ có rất nhiều cơ hội đối với trái phiếu lợi suất cao”, ông khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo chu kỳ này có thể khác với các chu kỳ trước: các ngân hàng trung ương có thể ít sẵn sàng hỗ trợ hơn vì sợ làm tăng giá cả thị trường. “Chu kỳ hiện tại có thể kéo dài vài năm với lạm phát cao nhưng các nhà hoạch định chính sách không ra tay giải cứu”, ông nói.
Việc Pimco chuyển sang trái phiếu an toàn hơn là một phần của xu hướng chung. Cuộc khảo sát mới nhất của Bank of America đối với giới quản lý quỹ cho thấy nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm nhiều nhất đến trái phiếu cấp độ đầu tư so với trái phiếu có lợi suất cao kể từ năm 2008.
Ông Ivascyn cho biết tài sản có thu nhập cố định đang mang lại giá trị tốt nhất nhiều năm qua, với lợi suất thực tế được điều chỉnh theo lạm phát ở Mỹ đạt mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường