Quy mô nhỏ nhất, NH của bà Nguyễn Thanh Phượng “cán đích” Basel II
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) của bà Nguyễn Thanh Phương chính thức trở thành ngân hàng thứ 12 được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Viet Capital Bank là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống hiện nay với vốn điều lệ chỉ 3.171 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2019, Viet Capital Bank chỉ lãi ròng 67 tỷ đồng, giảm gần 42% so với cùng kỳ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đã ban hành Quyết định số 2233/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng quyết định Viet Capital Bank áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) kể từ ngày 1/11/2019.
Theo đó, Viet Capital Bank có trách nhiệm thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính tỷ lệ an toàn vốn theo đúng kế hoạch báo cáo tại Công văn số 2132/2019/CV-QLRR ngày 30/8/2019 để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động liên tục trong trường hợp có thảm họa.
Đồng thời, nhà băng này phải tuân thủ quy định tại Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN.
Trong thời gian từ ngày 1/11/2019 đến hết ngày 31/12/2019, Viet Capital Bank đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Viet Cappital Bank là ngân hàng thứ 12 được phép áp dụng tiêu chẩn Basel II sau Vietcombank, OCB, VIB, MB, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HDBank, Shinhan Bank.
Về hoạt động kinh doanh, mới đây ngân hàng Bản Việt đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 kém khả quan khi lợi nhuận “bốc hơi” trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Viet Capital Bank hiện là 1 trong số 2 ngân hàng hiếm hoi tăng trưởng âm về lợi nhuận tính tới thời điểm hiện tại.
Lợi nhuận của Viet Capital Bank do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Phó Chủ tịch HĐQT “cài số lùi” trong thời gian vừa qua do sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh ngoại hối và gia tăng chi phí hoạt động.
Báo cáo tài chính quý III/2019 của ngân hàng Bản Việt
Cụ thể, thu nhập lãi thuần 9 tháng của Viet Capital Bank đạt 690 tỷ đồng, tăng gần 18% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận lãi thuần tăng khá mạnh tới 131%, lên mức 43 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng tăng 51% khi đạt 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối lại lao dốc 83%, xuống mức 19 tỷ đồng. Tương tự, mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 6%, còn gần 44 tỷ đồng.
Trong khi đó chi phí hoạt động vẫn tăng gần 27%, chiếm 632 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần trước dự phòng của Viet Capital Bank giảm 32%, xuống mức 194 tỷ đồng.
Cho nên dù nhà băng này giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 24%, còn 109 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ “èo uột” 84 tỷ đồng và lãi ròng 67 tỷ trong 9 tháng, tương ứng giảm gần 42% so với cùng kỳ.
Ngược lại, riêng trong quý III/2019, chi phí dự phòng của nhà băng này lại tăng vọt 144%, lên mức 63 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2019 cũng giảm 57%, còn 29 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Viet Capital Bank đạt 48.019 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 32.562 tỷ đồng, tăng trưởng 10,9%; dự phòng rủi ro cho khách hàng tăng 21% lên 411 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản lãi, phí phải thu tăng 14% so với hồi đầu năm, lên gần 1.150 tỷ đồng, các khoản phải thu tăng 14% lên mức 1.875 tỷ đồng.
Về nguồn vốn huy động, tiền gửi khách hàng cuối tháng 9 đạt 34.231 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm.
Ngân hàng Bản Việt là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống hiện nay. Vốn điều lệ tính đến hết ngày 30/9/2019 của ngân hàng này chỉ 3.171 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.
Được biết, Ngân hàng TMCP Bản Việt được thành lập từ năm 1992 với tên gọi trước đây là Ngân hàng TMCP Gia Định.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bản Việt từ năm 2013 đến nay là ông Lê Anh Tài. Ông Tài từng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và cũng đã có thời gian đảm nhiệm các cương vị khác nhau ở ACB, BIDV, NamABank, KienLongBank...
Một nhân vật quyền lực khác trong HĐQT của ngân hàng này là Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng. Bà Phượng gia nhập Ngân hàng Bản Việt từ năm 2011 và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2013, sau đó "nhường ghế" cho ông Lê Anh Tài.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là cổ đông sáng lập của hai công ty "họ Bản Việt" khác là Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt. Bà cũng từng là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Bản Việt.
Về cổ đông lớn, tại thời điểm cuối năm 2018, CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) chính là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Bản Việt với tỷ lệ 13,62%.
Hiện hơn 317 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bản Việt được lưu ký từ ngày 16/9/2019 và được cấp mã chứng khoán BVB, chờ ngày lên sàn UPCoM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận