Quý kinh doanh bết bát của hai ông lớn đầu ngành xây dựng
Cả Coteccons và Hòa Bình đều ghi nhận lợi nhuận quý 3 sụt giảm nghiêm trọng. Riêng với Coteccons, đây là quý đầu tiên thua lỗ của công ty kể từ khi về tay Kusto.
Coteccons cho biết quý 3 là thời điểm toàn ngành cũng như công ty đối mặt với các quy định phong tỏa ở những thành phố lớn, đặc biệt các công trình ở TP.HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như hiệu suất sinh lời công ty.
Khấu trừ chi phí, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Coteccons thua lỗ sau một năm về tay Kusto. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Coteccons đạt 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 87,5 tỷ, giảm 76%.
Doanh nghiệp lớn nhất ngành xây dựng dân dụng gặp khó khăn khi ngành xây dựng chịu áp lực lớn, chưa kể Coteccons còn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp khác. Gần đây, Coteccons vừa thông qua quyết định dừng hợp đồng với các nhà thầu liên quan chủ cũ gồm Newtecons, SOL E&C, Ricons… vì mâu thuẫn lợi ích.
Ban lãnh đạo mới cho biết Coteccons thời gian tới sẽ không tập trung toàn lực cho mảng cốt lõi là xây dựng, mà hướng đến xây dựng hệ sinh thái bao gồm xây dựng là chủ lực, song song với mảng tài chính xây dựng, M&E, cơ sở hạ tầng… Coteccons cũng lấn sang lĩnh vực tổng thầu các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió; tận dụng thế mạnh trong mảng thi công nhà xưởng, mở rộng hợp tác mảng đầu tư khu công nghiệp.
Một ông lớn khác trong lĩnh vực xây dựng là Hòa Bình cũng ghi nhận doanh thu quý 3 chỉ đạt 2.094 tỷ đồng, giảm 20% so với mức 2.635 tỷ cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ giá vốn, Hòa Bình lãi gộp 116 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp vào mức 5,5%. Trong kỳ, chi phí được cắt giảm mạnh, đặc biệt chi phí quản lý giảm chỉ gần 70% chỉ còn 34 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm mạnh còn do Hòa Bình không còn ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến như năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.536 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 73,3 tỷ đồng, tăng 17%.
Dù kết quả kinh doanh ảm đạm, song tình hình Hòa Bình có phần khả quan hơn Coteccons khi công ty cho biết liên tục trúng thầu nhiều dự án quan trọng. Mới đây, Hòa Bình thông báo đã nhận được gói thầu hai dự án mới tại Hà Nội, với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Với hai dự án mới này, Hòa Bình đã nâng tổng lũy kế giá trị trúng thầu từ đầu năm là 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch 14.000 tỷ đồng của năm 2021 đề ra.
Giá trị hàng tồn kho của công ty là 2.980 tỷ đồng, tăng 18%, chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 2.109 tỷ đồng và nguyên vật liệu xây dựng 585 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/9/2021, nợ vay ngân hàng giảm đi đáng kể. Dư nợ vay ngắn hạn và dư nợ vay dài hạn lần lượt giảm 15% và 11% so với đầu năm, xuống còn 4.232 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường