Quý I/2023: Nhiều doanh nghiệp “đi lùi”
Những khó khăn đã lộ rõ khi các DN đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý I/2023.
Doanh thu giảm, lợi nhuận đi xuống là thực tế mà DN đang phải đối mặt và buộc phải có những giải pháp rõ ràng hơn để đối phó và đón cơ hội tăng trưởng cuối năm.
Tiết giảm chi phí, lợi nhuận vẫn lao dốc
Năm 2023, ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Dù nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao công tác quản trị…, tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn không có nhiều khả qua.
Đơn cử, quý I/2023, doanh thu thuần của “ông lớn” bán lẻ Thế giới Di động (MWG) giảm 28% so cùng kỳ, chỉ đạt 27.105 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Dù các chi phí bán hàng và quản lý DN được tiết giảm 19% nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Với kết quả lợi nhuận trên, MWG ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng ICT đều có sức cầu yếu. Ngoài ra, đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà nhà bán lẻ này ghi nhận được kể từ khi niêm yết.
Tương tự, sau năm 2022 không hoàn thành kế hoạch, Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã CK: SGT) tiếp tục báo cáo lợi nhuận lao dốc và dòng tiền âm trong quý đầu năm 2023.
Báo cáo tài chính quý I/2023 DN này vừa công bố ghi nhận doanh thu đạt 93,38 tỷ đồng, giảm 77,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 5,56 tỷ đồng, giảm 97,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 58,4% về còn 44,9%. Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý DN), trong quý I/2023, Saigontel ghi nhận lỗ 0,65 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 204,39 tỷ đồng, tức tăng 205,04 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 7,03 tỷ đồng, Saigontel chỉ mới hoàn thành 1,7% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 412 tỷ đồng trong năm 2023.
Cũng ghi nhận lỗ hơn 850 tỷ đồng trong năm 2022, “kỳ lân công nghệ” VNG (mã CK: VNZ) tiếp tục lỗ thêm trong quý đầu năm 2023. Quý I/2023, DN này ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, hầu hết DN đều đã lường trước được rằng quý I/2023 là một quý khá khó khăn đối với nền kinh tế nói chung cũng như đối với các DN niêm yết nói riêng.
Thực tế, tăng trưởng GDP của quý I/2023 chỉ đạt khoảng 3,3% - khó khăn hơn so với các dự báo trước đây. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu, những đối tác thương mại chính của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của các khu vực này đều giảm khá mạnh trong quý I.
Liên quan đến lãi suất và tỷ giá, mặc dù lãi suất đang có xu hướng đi xuống nhưng nhìn chung so với nền của quý I năm ngoái, rõ ràng lãi suất của chúng ta vẫn ở một mức khá cao, hơn từ 1 - 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ giá VND so với USD mặc dù có xu hướng giảm nhiệt từ kể từ tháng 11/2022 nhưng so với cùng kỳ năm trước, vẫn ở mức cao hơn từ 2 - 5%. Trong nước, hoạt động sản xuất bị chậm lại, DN thuộc khu vực bất động sản hay xây dựng gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam trong quý I đã giảm đi khá rõ. Những yếu tố này đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Saigontel, doanh thu sụt giảm mạnh trong quý đầu năm do doanh thu hoạt động thương mại – dịch vụ; và hoạt động cho thuê đất, văn phòng và nhà xưởng đều suy giảm mạnh.
Bức tranh chung tích cực dần vào nửa cuối năm
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, quý I năm nay, lợi nhuận của các DN niêm yết trên thị trường sẽ ở dưới 5% (khoảng từ 2% cho đến 3%) mức thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 30% lợi nhuận của quý I/2022. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm ngành giữ được đà tăng trưởng và dự báo bức tranh kinh doanh chung sẽ tích cực dần lên vào nửa cuối năm nay.
Về các ngành cụ thể, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Trương Quang Bình dự báo, quý I/2023 ghi nhận sự chậm lại đáng kể hoặc thậm chí là thua lỗ. Đó là các DN bất động sản do lãi suất cao đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ, đặc biệt DN bất động sản quy mô nhỏ có thể ghi nhận mức giảm khoảng trên 50%.
Tiếp theo đó là các DN dệt may do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, có thể sẽ ghi nhận mức giảm tương tự. Bên cạnh đó, các DN đạm cũng bị ảnh hưởng lớn do giá bán giảm rất mạnh, nên có thể ghi nhận mức giảm sâu từ 70 - 80% .
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số DN có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong trong quý I, bao gồm các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt. Bên cạnh đó, ngành mía đường do giá đường tăng mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ, nên có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%.
Các chuyên gia cho rằng, quý III, quý IV/2023 của năm nay sẽ là thời điểm DN ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn về lợi nhuận. Đây được coi là thời điểm nhà đầu tư nên quan tâm đến sự cải thiện của kết quả kinh doanh trong những quý tới, thay vì chỉ trong quý I.
Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước các yếu tố vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của toàn bộ các DN niêm yết khoảng từ 3 - 6 tháng. Hiện, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở mức hấp dẫn so với quá khứ 10 năm và cũng như so với khu vực.
Nếu xét về quy mô DN thì các DN lớn, mạnh về tài chính cũng như quy mô về sản xuất kinh doanh sẽ tận dụng được lợi thế ở thời điểm này để mở rộng thị phần và dễ dàng vượt qua khó khăn. Trong khi các DN nhỏ và vừa, do quy mô vốn ít và việc sử dụng đòn bẩy lớn, nên nhóm DN này chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất vẫn cao, khối DN nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn hơn khi chi phí vốn tăng lên.
Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận