Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Bước đột phá về diện mạo của Hà Nội
Sẽ không phải là khu vực xây dựng ồ ạt các công trình mà thay vào đó, phân khu đô thị sông Hồng sẽ là một trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian đặc thù, hài hòa của thành phố để phát triển cho cả hai bên sông. Đây sẽ là bước đột phá diện mạo mới cho Hà Nội trong tương lai không xa.
Trục cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội
Trên thế giới, Hà Nội là một trong số ít thành phố nghìn năm tuổi. Còn tại Việt Nam, sau những lần quy hoạch và điều chỉnh địa giới, kể từ năm 2008, Hà Nội đã trở thành thành phố có diện tích đô thị lớn nhất và dân số đứng thứ hai của cả nước. Song song với việc phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đã diễn ra mạnh mẽ, đây cũng là xu thế tất yếu của các thành phố lớn. Hệ quả là quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp, đặc biệt tại các khu vực nội đô lịch sử. Điều này đã trở thành áp lực rất lớn về cơ sở hạ tầng đối với thành phố. Chính vì vậy, Hà Nội đang đặt kỳ vọng rất lớn đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lần này.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết trước đây, đã có nhiều nghiên cứu về hai bên sông Hồng, tuy nhiên đồ án quy hoạch lần này sẽ khẳng định lại định hướng mang tính đột phá cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Theo quy hoạch được nghiên cứu, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở và chạy qua địa phận của 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).
Với thực trạng như vậy, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng quy hoạch phải tạo lập được định hướng để sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội, cùng với đó là tạo ra tiềm năng về đất đai, dân cư, phát triển kinh tế xã hội. “Nếu có định hướng quy hoạch tốt thì chúng ta sẽ khai thác được quỹ đất rất lớn ở hai bên sông Hồng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Hiện, dọc hai bên sông Hồng, nằm trong phân khu quy hoạch, có rất nhiều di tích vật thể và phi vật thể quốc gia. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng nếu làm tốt thì sẽ phát huy được hệ thống du lịch hai bên sông Hồng, đồng thời kết nối được các di tích lịch sử quốc gia, các làng nghề truyền thống. “Nếu như trước đây chúng ta thấy chỉ có Bát Tràng là làng nghề truyền thống thì bây giờ sẽ có rất nhiều các làng nghề truyền thống như làng hoa, làng gốm sứ. Đặc biệt là các làng sinh thái, sẽ là định hướng mới cho thành phố Hà Nội”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Có thể thấy, khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng. Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan, chủ đạo của đô thị trung tâm, đặc biệt là quỹ đất hai bên sông Hồng, các khu vực ven sông gắn kết với từng địa danh quận, huyện.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, điều này sẽ bổ trợ cho quỹ về cây xanh, cảnh quan thiên nhiên cho cả thành phố, cũng như trực tiếp cho từng quận, huyện. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm, ở đây có hệ thống bãi sông, công trình công cộng rất lớn, nếu khai thác thành những khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí thì nó sẽ tạo nên sự hấp dẫn, hay như quận Tây Hồ có thể kích thích sự phát triển của những làng sinh thái.
Không chỉ góp phần trong việc phát triển du lịch, với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội sẽ tạo lập nên tiềm năng phát triển về giao thông đường thủy. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết Hà Nội hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong hệ thống giao thông. Như vậy, sau khi quy hoạch, đường thủy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông của thành phố. Ngoài ra, còn giúp Hà Nội kết nối hơn nữa với các tỉnh lân cận nói chung và các khu vực trên địa bàn thành phố nói riêng.
Đặc trưng của khu vực các bãi sông Hồng
Trong quy hoạch phân khu lần này, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408ha). Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh. Những bãi sông này được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.
Trong khi đó, các khu vực bãi sông còn lại như Thượng Cát - Liên Mạc, Tam Xá - Xuân Canh, Long Biên - Cự Khôi, Nhật Tân - Tứ Liên và bãi giữa sông Hồng được định hướng phát triển không gian mở đa dạng tùy theo đặc điểm về địa hình địa chất và vị trí của các bãi sông để đề xuất phát triển không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch hay xây dựng các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, không gian quảng trường đô thị, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông nội bộ dành cho xe cơ giới, xe đạp và đường đi bộ.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của các khu vực trong phân khu, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết trong khu vực trung tâm nội đô lịch sử, có nhiều khu vực bãi sông không những được nhà đầu tư trong nước mà còn nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến như bãi giữa dưới cầu Long Biên, cầu Vĩnh Tuy. Khu vực Tàm Xá, khu vực Cự Khối cũng đều là những khu vực rất hấp dẫn. Đặc biệt là bãi giữa sông Hồng có rất nhiều dự án nhưng chưa thực hiện được.
“Có những dự án của nhà đầu tư trong nước nhưng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài của Mỹ, Ý… quan tâm đến. Các nhà đầu tư này đã đề cập đến việc phê duyệt bãi giữa sông Hồng, tuy nhiên chúng ta chưa quyết định được bởi vì phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch hành lang thoát lũ".
Nói như vậy để thấy rằng nó sẽ tạo lập ra quỹ di sản và phi di sản phong phú, mạng đậm dấu ấn cảnh quan khu vực sông Hồng, bởi vì lịch sử phát triển thì Hà Nội là phía trong sông, còn bây giờ Hà Nội sẽ là phát triển trên sông. Ví dụ như khu vực thể dục thể thao được đề xuất ra bãi giữa sông Hồng, rồi những khu du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là những khu dành cho tuổi trẻ, thanh niên. Như vậy nó sẽ tạo ra một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn mang tính đặc thù của Thủ đô. Đấy là cái đặc trưng nhất của khu vực các bãi sông Hồng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Nói về chính sách để thu hút nhà đầu tư, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết bản chất phân khu đô thị sông Hồng là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, bởi trước đây, hai bên sông Hồng có rất nhiều dự án đã được xem xét đóng góp ý kiến, nhưng thành phố chưa có quyết sách. Ví dụ như ở khu vực Tàm Xá từng được một số công ty của Mỹ đề xuất nơi này trở thành khu đô thị khoa học, sáng tạo.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu như lần này có được quy hoạch, trước hết Hà Nội cần công bố mục tiêu của các dự án, điều này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư mới, không những vậy các nhà đầu tư trước đây cũng sẽ quay trở lại những dự án này.
Ngoài ra, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng Hà Nội cũng có những ưu tiên về quỹ đất, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật trong chính sách đất đai. Bên cạnh đó là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thì các dự án mới sớm được phê duyệt để triển khai, bởi các khu vực trong phân khu đô thị sông Hồng có thuận lợi rất lớn cho nhà đầu tư khi phần lớn không vướng giải phóng mặt bằng.
Thêm 8 cây cầu mới bắc qua sông Hồng
Về giao thông trong khu vực quy hoạch, các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng (là đường liên khu vực 4-6 làn xe); các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực (4 làn xe), xây dựng hai tuyến đường cấp đô thị (6-8 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu phát triển đô thị. Dọc hai tuyến đường ven sông tổ chức không gian cây xanh, công viên đô thị, quảng trường, đường đi bộ, xe đạp… nâng cấp cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường trong các khu vực dân cư và khu vực phát triển đô thị hai bên sông.
Đặc biệt, trong tương lai, khu vực này của Hà Nội sẽ có thêm 8 cây cầu mới bắc qua sông Hồng gồm: cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Mễ Sở, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi. Tính cả 6 cây cầu đang khai thác vận hành, đến năm 2050, phân khu đô thị sông Hồng sẽ có tổng cộng là 14 cây cầu qua sông Hồng.
Trong đó, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) đã được UBND thành phố Hà Nội chính thức khởi công vào tháng 1/2021. Tổng mức đầu tư cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) là 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, cầu Trần Hưng Đạo mới đây đã được UBND thành phố Hà Nội giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.
Cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,5km, chiều rộng bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng. Việc xây dựng những cây cầu này không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các vành đai mà còn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía bắc sông Hồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận