Quỹ bình ổn giá phải đảm bảo công bằng, minh bạch
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) như: về cơ cấu hàng hóa bình ổn giá, quỹ bình ổn giá, quyền tiếp cận thông tin về chính sách giá...
Tán thành với quy định trong dự thảo luật: quỹ bình ổn giá là một trong các biện pháp bình ổn giá, không quy định điều khoản riêng về nội dung này, tuy nhiên đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, quá trình thực hiện cần có sự đổi mới để đảm bảo tính công bằng, minh bạch khi áp dụng luật.
Về định giá hàng hóa dịch vụ, dự thảo luật đã bổ sung thêm một số hàng hóa do nhà nước định giá. Song, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần thuyết minh thêm, làm rõ nguyên nhân của việc bổ sung các loại hàng này vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá; Đồng thời, rà soát lại tên của các loại mặt hàng để đảm bảo tính chính xác, đồng bộ. Đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý tên Chương 3 thành “Quản lý nhà nước về giá”; và trong nội dung chương này có nhiều ý trùng lặp, đặc biệt về trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan. Do vậy, cần rà soát, loại bỏ các nội dung trùng lặp, đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng về trách nhiệm của các bộ ngành đảm bảo hợp lý, khả thi.
Trong khi đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quyền của người tiêu dùng về tiếp cận thông tin chính sách về giá của Nhà nước. Với điều 8 dự thảo Luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ và hàng hóa có quy định “trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị sửa thành: “hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quyết định giá cụ thể”. Theo đại biểu Thúy, sửa đổi này nhằm phù hợp với khoản 2 của Điều 21 của dự thảo Luật, giá do Nhà nước quyết định giá cụ thể thì tổ chức và cá nhân phải bắt buộc thực hiện theo giá của Nhà nước quy định. Về quyền của người tiêu dùng, khoản 2 Điều 8 dự thảo quy định, người tiêu dùng có quyền góp ý kiến đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Nội dung quy định này trùng với khoản 4, Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang sửa đổi hiện nay. Đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật Giá chỉ nên tập trung về quyền của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực giá. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung trong quyền của người tiêu dùng về tiếp cận thông tin về chính sách giá của nhà nước, các biện pháp quản lý, điều tiết giá của nhà nước và các thông tin công khai khác.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành việc dự thảo Luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan. Bên cạnh đó, giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước.
Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu cho rằng nên giao Bộ Tài chính quản lý để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.
Về vấn đề định giá, đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá, nhưng áp dụng pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải tham gia tích cực, còn Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ. Đại biểu đề nghị cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này. Về giá trần dịch vụ hàng không, đại biểu cho rằng cần có quy định cả về giá tối thiểu và giá tối đa để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích của người dân.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị giữ 8 mặt hàng trong luật này. Đối với các mặt hàng khác như điện, khí, dầu mỏ, muối, đường, thức ăn chăn nuôi… đã được quy định ở luật chuyên ngành và trong quá trình tổ chức thực hiện có sự tham chiếu. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cần quy định rõ về định giá và quản lý nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong quản lý giá; trong quá trình các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng phương pháp định giá chung đều có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.
Trước ý kiến cho rằng quy định về quản lý nhà nước có sự trùng lặp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ không có sự trùng lặp mà quản lý nhà nước về giá có điểm chung là Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý. Trong đó, Bộ Tài chính được phân định thẩm quyền ban hành chuẩn mực giá, hướng dẫn về phương pháp định giá chung và thanh tra, kiểm tra. Còn lại các hàng hóa chuyên ngành phân về cho các bộ ngành quản lý. Ví dụ như giá điện giao Bộ Công Thương; giá thiết bị y tế, thuốc giao Bộ Y tế; giá về giáo dục giao Bộ Giáo dục; giá về khoa học công nghệ giao Bộ Khoa học công nghệ và ở địa phương thì phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của đại biểu liên quan đến các khái niệm, các điều cấm, các giải pháp bình ổn giá xăng dầu; hội đồng thẩm định giá, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá, thẩm định giá viên; dữ liệu về giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận