Quốc hội nghe báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Sáng 23/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, ông Phớc cho biết năm 2022, Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; sức ép lạm phát tăng; thị trường tài chính, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA còn chậm.
Tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước 2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, song một số khoản thu thấp. Số nợ thuế của doanh nghiệp xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn thuế trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới phức tạp. Phân bổ chi ngân sách nhà nước chậm, nhất là nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi, Chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên theo ông Phớc, việc quản lý, sử dụng tài sản công "đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm". Trong năm 2022, bộ, ngành, địa phương đã mua mới 228 chiếc ôtô, 33 phương tiện vận tải khác và gần 10.000 máy móc thiết bị chuyên dùng. Lũy kế từ giai đoạn 2016-2022, cả nước đã mua mới gần 4.200 ôtô công. Tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1.777 tỷ đồng, trong đó riêng tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị 1.123 tỷ đồng, tài sản là nhà 453 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, sáng 11/5. Ảnh: Media Quốc hội
Về tiến độ một số dự án lớn, trọng điểm, quốc gia, Bộ Tài chính cho biết Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Về thi công xây dựng, tổng giá trị khối lượng xây lắp đạt 58,9% giá trị hợp đồng.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 22.800 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là hơn 22.800 tỷ đồng. Hết năm 2022, dự án đã giải ngân gần 16.700 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Bộ trưởng Phớc nói nguyên nhân giải ngân chậm là do tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục", dự kiến vốn trước rồi mới làm thủ tục đầu tư. Giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022. Nguồn cung cát, đất để san lấp mặt bằng khan hiếm. Nhà thầu thi công cầm chừng, có tâm lý chờ cập nhật chỉ số giá vật liệu xây dựng phù hợp với thị trường.
Giai đoạn 2020-2022, bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng hơn 18.800 công chức và hơn 125.000 viên chức, trong đó 258 người được tuyển dụng theo các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên từ năm 2020 đến tháng 6/2022, 100.000 trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng bị rà soát, xử lý trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 người.
Đại biểu dự khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 22/5. Ảnh: Hoàng Phong
Cùng trong sáng 23/6, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày tờ trình sau đó Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Phiên làm việc chiều, các đại biểu nghe tờ trình và thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và Quốc hội dành thời gian thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận