24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quan hệ Việt - Mỹ ra sao sau bầu cử?

Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Liệu có những thay đổi gì sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 (giờ Mỹ), nhất là nếu ông Donald Trump trở lại cầm quyền?

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam và Mỹ có những điểm song trùng về lợi ích, vì thế việc thúc đẩy và nâng cấp quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các hoạt động hợp tác giữa 2 nước hiện nay tạo nên cơ sở mạnh nhất, chứ không phải danh nghĩa đối tác.

Việt Nam và Mỹ thiết lập khuôn khổ Đối tác toàn diện từ năm 2013. Qua các đời tổng thống, từ Barack Obama đến Donald Trump và Joe Biden, hợp tác song phương liên tục được tiếp nối và phát triển hơn nữa. Những gì mà hai nước đã đạt được cho đến nay cơ bản sẽ được tiếp nối, vì nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, khẳng định.

Quan hệ Việt - Mỹ ra sao sau bầu cử?

Bà Kamala Harris hay ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ? Ảnh: PBS

“Việt Nam hiện nay gắn với ASEAN, gắn với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chắc chắn nước Mỹ vẫn rất cần Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói với phóng viên Tiền Phong.

ThS Hoàng Việt, giảng viên tại ĐH Luật TPHCM, kể rằng, gần đây một viên chức ngoại giao Mỹ nói với ông 2 điều: Dù ai lên làm tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử năm nay thì quan hệ với Việt Nam không thay đổi; tân tổng thống sẽ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên, chứ không đợi đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ.

ThS Hoàng Việt lưu ý, Mỹ đang xây trụ sở đại sứ quán mới ở Hà Nội, với mức đầu tư 1,2 tỷ USD - quy mô lớn nhất ở châu Á, thể hiện sự cam kết của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Ông cũng cho rằng, từ trước đến nay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí về việc giữ quan hệ với Việt Nam, vì thế phương hướng này vẫn sẽ được duy trì trong những năm tới.

Con đường khác biệt

Trong quá trình vận động tranh cử, cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đưa ra những cương lĩnh, tuyên bố rất khác nhau, cho thấy cuộc bầu cử ngày 5/11 có thể sẽ thay đổi con đường mà Mỹ sẽ đi trong 4 năm tiếp theo, cũng như quan hệ của Mỹ với các quốc gia khác trên thế giới.

Dù đồng ý rằng quan hệ Việt-Mỹ vẫn sẽ được tiếp tục, Đại sứ Phạm Quang Vinh và ThS Hoàng Việt đều cho rằng, có những điểm mà Việt Nam cần lưu ý, để có thể làm việc tốt với chính quyền kế nhiệm.

Theo ThS Hoàng Việt, ông Trump là doanh nhân, vì thế luôn chú ý đến vấn đề thương mại và chú trọng việc mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ, chứ sẽ không quá để ý đến những lợi ích chiến lược xa xôi. Ông nhắc lại rằng, vào năm cuối của nhiệm kỳ trước, chính quyền Trump dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam. Bộ Thương mại Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. “Nếu bà Harris trở thành tổng thống, Việt Nam có thể xử lý vấn đề này tốt hơn”, ThS Hoàng Việt nói với phóng viên Tiền Phong.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, ông Trump sẽ xa rời tất cả những hiệp định mà ông không nhìn thấy lợi ích ngay lập tức. “Khi Mỹ là siêu cường, là đàn anh thì phải chơi đẹp để dẫn dắt các quốc gia khác. Nhưng ông Trump không có quan điểm như vậy”, ThS Hoàng Việt nhận định.

Ông Hoàng Việt cho rằng, trong trường hợp bà Harris đắc cử, về cơ bản, chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ là sự nối dài của chính quyền Joe Biden. Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, nếu tái đắc cử, ông Trump chắc chắn quan tâm đến chuyện cân bằng cán cân thương mại. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng nói đến chuyện thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, thâm hụt thương mại là do lợi ích kinh tế của cả hai nước. Khi Mỹ cần nhập khẩu mà không chọn được của nước nào thì mua của Việt Nam. Việt Nam có thể bảo đảm chất lượng hàng hoá và giá cả cạnh tranh thì mới vào được thị trường Mỹ. Việt Nam cũng luôn khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là công khai, minh bạch và công bằng trong thương mại, và không chấp nhận chuyện gian lận về xuất xứ hàng hoá.

Việt Nam luôn khẳng định sẵn sàng mua hàng của Mỹ, phù hợp với năng lực tài chính của Việt Nam và khi phía Mỹ chào hàng cạnh tranh và cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp. Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý rằng, trước đây Việt Nam đã ký những hợp đồng lớn về mua máy bay dân dụng, khí hoá lỏng… của Mỹ.

“Nếu áp dụng cách tiếp cận hai bên cùng có lợi thì có thể xử lý những khác biệt”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói. Theo ông, một điều đáng chú ý nữa là ông Trump không ủng hộ khái niệm về biến đổi khí hậu và tuyệt đối hoá chuyển đổi xanh. Vì thế, những nỗ lực liên quan đến tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh sẽ phải theo cách thức mới. Nhưng mặt khác, những trao đổi về năng lượng thông thường như dầu, khí hoá lỏng, ô tô bảo đảm chất lượng về môi trường sẽ vẫn được tiếp tục, ông nhận định.

Ba điểm đáng chú ý

Về bà Harris, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh, chính quyền Biden mà bà là phó tổng thống đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam, vì thế bà sẽ tiếp tục hướng đi như vậy nếu đắc cử. Theo ông, dù bà Harris hay ông Trump chiến thắng, đều có 3 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, quan hệ Việt-Mỹ lâu nay mang lại lợi ích chung cho cả hai bên, được sự ủng hộ của cả hai đảng. Điều này đã được chứng minh qua các thời kỳ với những chính quyền khác nhau.

Thứ hai, cả ông Trump và bà Harris đều đã thăm Việt Nam và đều có hiểu biết về Việt Nam và khu vực này.

Thứ ba, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ với Mỹ và thúc đẩy phát triển chất lượng cao, bền vững hơn, dựa trên đổi mới sáng tạo. Hướng đi này trùng hợp với thế mạnh và lợi ích của Mỹ nên chắc chắn sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, sẽ có những sắc thái khác nhau giữa bà Harris và ông Trump mà Việt Nam cần chú ý và chuẩn bị.

Quan điểm của ông Trump và bà Harris về thương mại

Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên Kamala Harris cho rằng, các thỏa thuận thương mại lớn nên bao gồm biện pháp bảo vệ người lao động và khí hậu. Bà đã chỉ trích thuế quan nhưng cho rằng Mỹ nên “giảm rủi ro” trong thương mại với Trung Quốc. Chính quyền Biden-Harris đã triển khai các chương trình trợ cấp quy mô lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh.

Trong khi đó, ứng viên Donald Trump lập luận rằng, hệ thống thương mại toàn cầu đang bị thao túng, đi ngược lại lợi ích của Mỹ và gây thâm hụt thương mại lớn, khiến nền sản xuất của Mỹ suy giảm và việc làm bị đưa sang nước khác. Ông tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại vị thế “siêu cường sản xuất của thế giới” thông qua “tái cân bằng thương mại” hướng tới sản xuất trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả