Quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ trong 1/4 thế kỷ
Tháng 7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao; từ đó đến nay quan hệ giữa hai nước đã phát triển toàn diện về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục và khoa học, an ninh và quốc phòng.
Tháng 7/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký kết thỏa thuận “Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt”, khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ song phương. Thương mại và đầu tư đóng góp tích cực vào quá trình phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá “không có hai nước nào khác nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai”.
Thành tựu
Ngày 13/07/2000 tại Washington, Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA) đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày10/12/2001.
So với các Hiệp định thương mại mà nước ta đã ký trước đó, BTA Việt - Mỹ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều, quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân hai nước.
Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tháng 12/2006, Tổng thống G.W.Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
Mặc dù đã có BTA nhưng trong tiến trình gia nhập WTO, Việt Nam đã trải qua 12 vòng đàm phán song phương với Mỹ, cuối cùng hai bên đã ký kết Biên bản thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 31/05/2015 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Theo đó, Việt Nam sẽ miễn thuế hoàn toàn cho các sản phẩm máy vi tính, bán dẫn, áp thuế 0% với máy bay, 94% sản phẩm công nghiệp của Mỹ chịu mức thuế dưới 15%, 3/4 nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế từ 15% trở xuống. Các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ được quyền tiếp cận rộng hơn thị trường viễn thông (cả thị trường vệ tinh), phân phối, dịch vụ tài chính và năng lượng. Mỹ đã nhận được thêm nhiều ưu đãi so với BTA.
Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến năm 2000 kim ngạch thương mại Việt- Mỹ chỉ tăng từ 450 triệu USD lên 1,09 tỷ USD; nhưng từ khi có BTA đến nay đã gia tăng bình quân 20%/năm; năm 2005 là 6,75 tỷ USD, năm 2010 là 18,10 tỷ USD, năm 2015 đạt 41,28 tỷ USD, năm 2019 đạt 75,72 tỷ USD, gấp 75 lần năm 2000.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2000 là 0,733 tỷ USD, năm 2005 là 5,93 tỷ USD, năm 2010 là 14,24 tỷ USD, năm 2015 là 33,48 tỷ USD và năm 2019 là 61,35 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam năm 2000 là 0,363 tỷ USD, tăng lên hơn 1,1 tỷ USD trong năm 2003- 2004, giảm xuống còn 0,862 tỷ USD năm 2005, đạt 3,77 tỷ USD năm 2010, 7,8 tỷ USD năm 2015 và 14,37 tỷ USD năm 2019.
Năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; một số mặt hàng chủ lực tăng cao như dệt may tăng 11,7%; giày dép tăng 23,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 87,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35,1% so với năm 2018.
Theo Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ; từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại ít nhất, năm 2014 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Mỹ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%); con số này có thể hơn 30% trước năm 2020 nếu xu hướng này được tiếp tục; không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Mặt khác, Việt Nam đang xếp thấp nhất trong các nước ASEAN- 6 về nhập khẩu từ Mỹ với 14,37 tỷ USD trong năm 2019. Số liệu này chắc chắn có thể tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đối với các nhà xuất khẩu từ Mỹ, các nhà nhập khẩu tại Việt Nam và các đơn vị phân phối của nhà nhập khẩu.
Nếu thương mại là mảng sáng trong quan hệ kinh tế Việt Nam- Hoa Kỳ, thì đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với con số 4000 tỷ USD của Mỹ đầu tư ra nước ngoài (tính đến năm 2017) và FDI của Mỹ tại khu vực Châu Á và ASEAN.
Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống với 17 dự án, vốn đăng ký xấp xỉ 4,68 tỷ USD, chiếm 42,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo với 323 dự án, vốn đăng ký 2,24 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký, còn lại là ngành nghề khác.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 599 dự án và gần 8,27 tỷ USD, chiếm 74,8%; hình thức liên doanh có 111 dự án với gần 2,6 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đăng ký. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ có dự án tại 42/63 địa phương trong cả nước, đứng đầu là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 18 dự án với vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, Thành phố Hải Phòng đứng thứ hai có 13 dự án với vốn đăng ký là 1,2 tỷ USD, thứ ba là tỉnh Bình Dương có 970 dự án với vốn đăng ký 780,6 triệu USD.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Citigroup, American Group, Intel, Chevron, Ford, Starwood Hotel, AIA, Dickerson Knight Group, Coca Cola, Pepsi Cola, KFC… đã có chỗ đứng vững vàng tại Việt Nam.
Cho đến nay, dự án FDI lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam là dự án Công ty TNHH Winvest Investment (Việt Nam) cấp phép năm 2006 với 4,1 tỷ USD vốn đăng ký, để xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vấn đề
25 năm là thời gian đủ dài để nhìn lại một số vấn đề chủ yếu cần được các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lưu ý.
(1) Các vụ kiện thương mại
Trong quan hệ thương mại với Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá tại thị trường Mỹ, đầu tiên là vụ cá ba sa (2002), tiếp đó là vụ tôm (2004) cùng với 11 nước khác.
Vụ kiện cá basa đã cho chúng ta bài học quý báu về thị trường Mỹ. Vụ kiện này xuất phát từ lợi ích của khoảng 3.000 chủ trại nuôi cá da trơn ở Mỹ, thông qua một Nghị sĩ Quốc hội kiện những nhà xuất khẩu cá basa Việt Nam về tên loài cá và việc bán phá giá tại Mỹ. Do chưa có nhận thức đầy đủ về luật pháp, quy trình, thủ tục vụ kiện này, nên Việt Nam bị động đối phó, kết cục bất lợi.
Cục quản lý xuất nhập khẩu (IA) thuộc Bộ thương mại Mỹ là cơ quan quản lý việc thi hành Luật chống bán phá giá. IA thường xuyên khai thác các quy định của luật về việc bảo vệ lợi ích trong nước và thực hiện những phán quyết của tòa án Mỹ theo hướng đó. Cần lưu ý rằng, không phải vụ kiện bán phá giá nào xảy ra trên nước Mỹ cũng có thể đưa ra xét xử tại Hội đồng trọng tài của WTO.
Do vậy, cách tốt nhất là phòng và tránh xảy ra các vụ kiện, bởi vì khi vụ kiện đã được khởi xướng thì tốn nhiều chi phí và mất nhiều thời gian do quá trình tố tụng của Mỹ rất phức tạp, tiền thuê các công ty luật có uy tín rất cao, khả năng thua kiện khá lớn và việc bồi thường thiệt hại do thua kiện rất tốn kém.
Trong trường hợp không thể tránh xảy ra vụ kiện thì tìm cách lobby để đơn kiện không được gửi đến Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Tòa Trọng tài Mỹ (ITC), thực hiện biện pháp hoà giải với bên nguyên đơn bằng các khoản bồi thường hợp lý.
Trường hợp đơn kiện đã gửi đến ITC và DOC thì doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai loại việc để đối phó với vụ kiện: 1) Căn cứ vào các quy định của luật pháp Mỹ, cơ quan điều tra sẽ đòi hỏi bên bị đơn cung cấp những tài liệu, trả lời các câu hỏi điều tra; cần chuẩn bị đầy đủ số liệu kế toán, tài chính và các luận cứ để phản bác lại lập luận của cơ quan điều tra; 2) Thuê một công ty luật có năng lực và uy tín trong lĩnh vực mà vụ kiện xảy ra, để chuẩn bị đối chất với luật sư bên nguyên đơn trước các cơ quan xét xử vụ kiện.
(2) Kinh tế thị trường
Liên quan đến việc xử lý các vụ kiện thương mại là vấn đề công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo quan điểm của Mỹ thì phải có đủ sáu yếu tố: (1) Mức độ mà đồng tiền của quốc gia nước ngoài có khả năng chuyển đổi sang đồng tiền các nước khác; (2) Mức độ mà tiền lương tại quốc gia nước ngoài được xác định bởi sự mặc cả tự do giữa người lao động và nhà quản lý lao động; (3) Mức độ mà các liên doanh hoặc các hình thức đầu tư của các nước khác được cho phép tại quốc gia nước ngoài; (4) Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với các phương tiện sản xuất chủ yếu; (5) Mức độ kiểm soát của Chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực, cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của các doanh nghiệp và (6) Những nhân tố khác mà cơ quan thẩm quyền xem là thích hợp.
Tại thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO, Mỹ cam kết sẽ áp dụng các biện pháp dành cho một nước có nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá trong vòng 12 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO; có nghĩa là sau thời gian đó mặc nhiên Việt Nam được đối xử như các nước có nền kinh tế thị trường.
Đối chiếu với 6 yếu tố trên đây thì nền kinh tế của Việt Nam đã là kinh tế thị trường, nhưng đáng tiếc cho đến nay Mỹ chưa công nhận thực tế khách quan đó.
(3) Quy tắc xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi về thuế quan của Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật thương mại; đồ gỗ của Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ thì cần có xuất xứ là gỗ rừng trồng (có Chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác); hải sản xuất khẩu sang Mỹ không được khai thác bất hợp pháp…
Cũng theo Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan thì một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến, trong đó có 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Cục Kiểm tra sau thông quan đã trực tiếp kiểm tra 9 doanh nghiệp và chỉ đạo 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH xe đạp Excel, 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, thành lập năm 2018, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện; nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh, không qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào; xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam đối với mặt hàng xe đạp và xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được hưởng thuế suất 5 -10% trong khi cùng loại hàng này xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ là 75%.
Tổng cục Hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền và xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, các bán thành phẩm và các linh kiện chưa xuất khẩu đang lưu trong kho của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện quy định về xuất xứ hàng hóa để không vi phạm, đồng thời không vì lợi ích cục bộ tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng ưu đãi thuế hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gây tổn hại cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
(4) Môi trường đầu tư
Mặc dù môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện, an ninh chính trị, kinh tế, an toàn cho nhà đầu tư được đánh giá cao, nhưng có ba vấn đề chưa đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư Mỹ (và EU): (1) Hệ thống luật pháp công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo được thực thi nghiêm chỉnh trong cả nước; đảm bảo chi phí cơ hội là đòi hỏi có tính nguyên tắc của TNCs của Mỹ khi đầu tư vào nước ta; (2) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà nước ta đã cam kết trong nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư với những quy định khắt khe và phạm vi rộng hơn là vấn đề nổi lên trong thu hút FDI từ TNCs của Mỹ, bởi vì đây là ưu thế nổi trội của họ, trong khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp bản quyền, thương quyền, làm hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn Việt Nam và (3) Giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính từ thẩm định cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Chi phí bôi trơn, tham nhũng là những tệ nạn không được chấp nhận đối với TNCs của Mỹ (và EU).
Triển vọng
Trong cuộc trò chuyện với Tổng biên tập Business Insider Sara Silverstein gần đây, Giáo sư Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel nhận định: Mọi người cũng đang bàn chuyện trong dịch mà hầu như không ai nhìn xem sau 4-5 tháng khi đại dịch lắng xuống thì nền kinh tế sẽ gặp vấn đề gì. Theo ông, đó là lúc cuộc khủng hoảng tài chính cấp tiểu bang ập đến, lúc mà các chương trình trợ cấp thất nghiệp mùa dịch cũng hết hạn. “Chúng ta có một quả bom tài chính khổng lồ với một chiếc đồng hồ đếm ngược gắn trên nó và tôi gần như không thấy ai nhắc về điều đó… Tôi thực sự lo lắng rằng sự sụp đổ kinh tế có thể kéo dài, lâu hơn nhiều so với mọi người đang nghĩ”, ông nói.
Theo dự báo mới nhất thì kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm 35- 37% trong quý II năm nay, sau đó phục hồi dần và đến năm 2021 mới có thể trở lại năm 2019. Hàng vạn doanh nghiệp phá sản, những người hưởng trợ cấp thất nghiệp đã hơn 36 triệu, một con số chưa từng có trong những cuộc khủng hoảng trước đây; quan hệ Mỹ- Trung trở nên căng thẳng đến mức Tổng thống D. Trump đe dọa: “cắt đứt quan hệ với Trung Quốc”. Trong bối cảnh đó Chiến lược đối ngoại của Mỹ có nhiều thay đổi để bảo vệ nguyên tắc “Nước Mỹ trước hết”.
Khi bàn đến triển vọng quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cần quan tâm nghiên cứu sự thay đổi Chiến lược đối ngoại của Mỹ để có giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ lợi ích của dân tộc.
Trong bối cảnh mới của thế giới, nhiều chính khách và nhà kinh doanh Mỹ vẫn lạc quan đối với việc mở rộng quan hệ với Việt Nam. Mở đầu phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước, bà Natasha Ansell, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, các công ty của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cho lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. “Quan trọng nhất, các công ty của chúng tôi hiểu mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội để tiến hành kinh doanh theo cách tạo ra cả giá trị kinh tế và xã hội lâu dài”, bà nói.
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đàm phán để có thể triển khai các dự án có nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như chế tạo - chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm…
Ông Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao châu Á tại AmCham cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết phác thảo một loạt khuyến nghị để tăng cường quan hệ thương mại cho giai đoạn tới. Kế hoạch này yêu cầu những công việc chuyên sâu dựa trên thỏa thuận về khung thương mại và đầu tư (TIFA) hiện có giữa hai nước với các thỏa thuận cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế số, hải quan - thuận lợi hóa thương mại, hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác”, ông nói.
Ngày 06/05/2020 tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Donald Trump, hai bên bày tỏ hài lòng về tiến triển thực chất trong quan hệ hai nước từ chính trị và ngoại giao, kinh tế và thương mại, khoa học và giáo dục, an ninh và quốc phòng, giải quyết hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại, tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp để đưa quan hệ toàn diện đi vào chiều sâu, nhất là trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, đánh giá quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua và tin tưởng quan hệ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng bền chặt hơn thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận