Quan chức Mỹ: Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga ‘hiện đã chết’
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gần như “đã chết” và khó có thể “hồi sinh”.
Tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8/3, trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ rằng liệu Washington có nên kéo dài lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, Thứ trưởng Victoria Nuland khẳng định:
“Tôi nghĩ Dòng chảy phương Bắc 2 hiện đã chết. Nó giờ là một đống kim loại dưới đáy biển, tôi nghĩ dự án này sẽ không thể hồi sinh”.
Bình luận của bà Victoria Nuland được đưa ra sau khi Mỹ và Đức đưa ra loạt quyết định đe dọa tới số phận của dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Micheal Martin ngày 22/2, Thủ tướng Đức Scholz cho biết dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không thể tiến triển trong tình hình khủng hoảng hiện nay do đó ông đã chỉ thị cho Cơ quan Mạng lưới liên bang dừng quá trình phê duyệt dự án này cho đến khi có thông báo mới.
Theo Thủ tướng Scholz, hiện tại không thể khẳng định liệu đường ống dẫn khí đốt này có còn cơ hội tiếp tục hay không và nước này cần phải đánh giá lại mọi việc.
Sau đó 1 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định áp đặt trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG, nhà điều hành độc lập của dự án, và Giám đốc điều hành của dự án này, ông Matthias Warnig
Cụ thể, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã công bố quyết định cho phép từng bước huỷ bỏ các giao dịch liên quan tới Nord Stream 2 AG hoặc bất cứ thực thể nào thuộc sở hữu từ 50% trở lên của Nord Stream 2 AG dù là trực tiếp hay gián tiếp, bắt đầu từ ngày 2/3 (theo giờ Mỹ).
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, Tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, Gazprom đã thanh toán một nửa chi phí xây dựng đường ống, phần còn lại sẽ do các tập đoàn châu Âu thanh toán. Dù đã hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước Liên minh châu Âu. Nhiều năm qua, Đức luôn tìm cách bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, cách tiếp cận này ngày càng trở nên khó khăn khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận