“Quân bài” giúp Putin tự tin trong chiến lược đối với Ukraine
Theo theconversation.com, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tỏ ra tự tin hơn bao giờ hết khi giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine theo hướng có lợi cho đất nước của ông. Sự tự tin đó chắc chắn là dựa trên những “quân bài” sau: nền kinh tế Ukraine đang chao đảo, sức mạnh quân sự của Nga và một “con át chủ bài” mới – đó chính là Trung Quốc.
Bất ổn kinh tế ở Ukraine
Có lẽ, Nga sẽ phải cảm ơn Mỹ và châu Âu vì họ đã tạo ra một “cơn bão” truyền thông hoàn hảo. Bốn tháng lo lắng dự đoán xem Nga có thể làm tiếp theo và quyết định của các đại sứ quán phương Tây chuyển từ thủ đổ Kiev đến thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine. Trên thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vì gây ra tâm lý hoảng loạn, lo sợ về một cuộc chiến tranh, đồng thời cho rằng điều đó đã gây tổn hại cho nền kinh tế của nước ông.
Thêm vào đó, Nga còn siết chặt “gọng kìm” kinh tế đối với Ukraine bằng cách hạ thấp giá trị của quốc gia này - vốn là một quốc gia trung chuyển khí đốt xuất khẩu của Nga. Các nhà phân tích cho biết dòng khí đốt của Nga qua Ukraine đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hồi tháng 01/2022, điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine bị giảm doanh thu từ thuế quá cảnh.
Mối đe dọa chiến tranh cũng đã khiến giá trị đồng nội tệ của Ukraine giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua so với đồng USD, dẫn đến tiền bảo hiểm cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen cũng như các hãng hàng không Ukraine. Một nhà kinh tế người Ukraine nói rằng cuộc khủng hoảng đã khiến nền kinh tế nước này bị thiệt hại hàng tỷ USD chỉ trong vài tuần qua.
Năng lực quân sự
Dù Putin đã đồng ý tiến hành thêm nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, nhưng rõ ràng Nga còn lâu mới lùi bước. Nga sẵn sàng tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự đã được cải thiện của mình và mối đe dọa xung đột trong “trận chiến mặc cả” với phương Tây, bất chấp nguy cơ một cuộc chiến tranh thực sự có thể nổ ra và tàn phá nền kinh tế của chính nước Nga. Trong những ngày gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến lược hàng năm, được gọi là Grom (hay “Thunder”). Việc Nga quyết định đẩy mạnh các cuộc tập trận này từ nửa cuối năm 2021 dường như là một hành động có chủ ý, mục đích là để nhắc nhở các nhà lãnh đạo phương Tây về vị thế siêu cường hạt nhân của Nga và những rủi ro liên quan đến việc đối đầu quân sự với nước này. Đồng thời, Nga và Belarus đã thông báo sẽ tiếp tục các hoạt động tập trận chung. NATO ước tính rằng khoảng 30.000 quân Nga hiện đang ở Belarus.
Điệm Kremlin tự tin rằng 10 năm cải cách và bơm tiền ồ ạt đã biến quân đội Nga từ một lực lượng già cỗi, được trang bị đơn sơ thành một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Thêm vào đó, người Nga tin rằng cả Mỹ và NATO sẽ không mạo hiểm tiến hành một cuộc xung đột công khai liên quan đến Ukraine. Vì vậy, bằng cách tiếp tục thể hiện sức mạnh quân sự của mình theo cách này, Putin hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây cuối cùng sẽ gây áp lực buộc các quan chức ở Kiev phải chấp thuận một giải pháp chính trị về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine theo điều kiện của Nga.
“Quân bài” Trung Quốc
Có lẽ “quân bài” mạnh nhất trong tay Putin là Trung Quốc. Ngoài việc Nga và Trung Quốc ngày càng thân thiết trong những năm gần đây, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Thế vận hội mùa Đông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các nước phương Tây. Một số quan chức Mỹ và châu Âu thậm chí còn nói rằng hai nước có ý định “sắp xếp lại trật tự thế giới”.
Đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận dài hạn để vận chuyển dầu và khí đốt của Nga cho Trung Quốc trị giá 117 tỷ USD. Thỏa thuận này giúp Moskva giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra từ các mối đe dọa của Mỹ nhằm ngăn chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu nếu một cuộc xâm lược xảy ra.
Thứ hai, tuyên bố chung Nga – Trung đã chính thức hóa sự ủng hộ chính trị của Trung Quốc đối với các chiến lược của Nga chống lại phương Tây. Điều quan trọng là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc Nga phản đối NATO mở rộng.
Mặc dù Nga không cần Trung Quốc hỗ trợ quân sự trong bất kỳ cuộc xâm lược tiềm tàng nào của Moskva ở Ukraine, nhưng sự hậu thuận về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh là điều đáng khích lệ đối với Putin. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ thu được lợi lớn từ Moskva.
Một là, sau khi đồng ý hỗ trợ Nga chống lại NATO, Bắc Kinh đã nhận được sự ủng hộ của Moskva trong vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình. Trên thực tế, Trung Quốc có thể mượn cách tiếp cận của Nga đối với Ukraine như một hình mẫu để gây áp lực buộc Đài Loan phải thống nhất hoặc tiến hành một cuộc xâm lược hoàn toàn hòn đảo này.
Hai là, Trung Quốc hiện có thể dựa vào Nga trong trò chơi cân bằng để đối trọng với AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ).
Ba là, Tập Cận Bình có thể sử dụng mối quan hệ thân tình với Putin để củng cố quyền lực ở trong nước. Cuối năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội lần thứ XX – thời điểm quan trọng đối với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Ở Trung Quốc, Putin được tôn sùng như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, vì vậy, việc được Putin ủng hộ có ý nghĩa quan trọng đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh ông đang cố gắng có được một nhiệm kỳ cầm quyền khác.
Hiện tại, thời gian đang đứng về phía Putin – đó là một yếu tố chiến lược lớn mà phương Tây không có. Mối hiềm khích giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây càng sâu sắc, Bắc Kinh và Moskva chắc chắn sẽ càng xích lại gần nhau.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận