menu
Quá xa xỉ khi đầu tư dài hạn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quá xa xỉ khi đầu tư dài hạn

Hai bàn tay trắng rời ngưỡng cửa đại học với tấm bằng loại ưu, được bố mẹ cho ít vốn liếng để tập tành kinh doanh, anh bạn tôi thật may mắn khi vào đúng con sóng bất động sản và kiếm được vài tỉ tiền tươi thóc thật.

Số tiền vài ba tỉ chẳng là gì nhưng anh bạn ở hiền gặp lành được ông trời ưu ái, là một tay mơ a bờ cờ về tài chính nhưng được trao lệnh tiễn để tham chiến tại sóng đầu cơ cổ phiếu cực lớn trong giai đoạn 2009-2010. Lúc cao điểm, tài khoản của anh ấy đạt tới 12 con số (hàng trăm tỉ), thật đáng nể phục.

Bẵng đi thời gian, một chiều mưa tầm tã, tôi vô tình gặp lại người bạn xưa ở ngã tư đường, con đường mệnh danh phố Wall của Việt Nam. Anh vẫn như xưa, chỉ là hơi gầy một xíu, khuôn mặt có chút khắc khổ và tóc đã bạc nhiều, sự tàn phá của thời gian hay đúng hơn là khắc nghiệt của nghề đầu tư thật ghê gớm. Chỉ kịp chào hỏi vài câu, anh bước đi thật nhanh đến chiếc Mercedes Maybach đằng xa, không hiểu có việc gấp hay để tránh tôi bắt gặp ánh mắt xa xăm của anh.

Cơn mưa nặng hạt lấn át tiếng nói chuyện, tôi chỉ kịp nghe tâm sự của anh bạn với câu cảm thán “ăn qua ngày, chờ qua đời”. Thật châm biếm mỉa mai biết bao nhiêu nhưng đó lại gần như là sự thật trần trụi của anh lúc này, phá sản, trắng tay hoàn toàn, 12 con số kia không còn trong tài khoản và thay vào đó là khoản nợ vài tỉ. Chiếc Merc. sang trọng và hào nhoáng đã thuộc về dĩ vãng, lúc này anh chỉ là tài xế mà thôi. Quá khứ huy hoàng với anh đã ở phía sau…

Anh bạn tôi gia tăng tài khoản hàng chục lần trong 2 năm 2009-2010 nhưng chỉ cần một nửa thời gian đó để đánh bay mọi thành quả, tất cả trở về cái máng lợn… Người ngoài cuộc sẽ khó hiểu nhưng dân trong nghề coi đây là chuyện thường ngày ở huyện. Những cổ phiếu đầu cơ không dựa trên yếu tố cơ bản, chủ yếu lựa theo xu thế thị trường chung, dựa vào dòng tiền nóng để tạo sóng đẩy lên thật cao và khi tiếng nhạc dừng thì kẻ cuối cùng ở lại rửa bát.

Năm 2010, hàng trăm cổ phiếu đầu cơ tăng nóng 3-500% chỉ trong vài tháng, thế nên hiện tượng ngôi sao đầu tư cổ phiếu, thần đồng chứng khoán, kỳ tài đầu cơ … vân vân và … mây mây… cứ gọi là nhiều như lợn con. Bất cứ ai vào thị trường chỉ với tố chất “liều” là có thành quả hào nhoáng như xây lâu đài trên cát.

Sau thập kỷ đau thương, lúc này dòng tiền nóng đầy chết chóc có dấu hiệu lớn dần, manh nha hiện tượng đầu cơ quá đà bất chấp mọi quy luật thông thường. Những xác chết sống dậy kiểu như VOS, VNA, NBC… là chỉ báo đáng tin cậy không thể chối cãi. Tất nhiên với những ai thích cờ bạc sẽ phản bác và cho rằng cổ phiếu có dấu hiệu kinh doanh tốt, lợi nhuận sẽ bùng nổ… Chỉ khi cổ phiếu gãy đổ, dòng tiền nóng rút lui thì mọi chuyện mới sáng tỏ, lúc này thì chưa.

Công bằng mà nói, bây giờ rất khác năm 2010, khi xưa nền kinh tế đang khủng hoảng, doanh nghiệp vật vờ chờ chết khá nhiều, chỉ một số ít vững mạnh tiến về phía trước. Còn lúc này nền kinh tế ở trạng thái hưng thịnh, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đều rất tốt, ít có dấu hiệu suy yếu. Nhưng, luôn chuẩn bị áo ấm cho mùa đông băng giá dù đang là mùa xuân - đó là cách chủ tịch của gã khổng lồ Huawei sẵn sàng đương đầu với bão tố. Không bao giờ để mất tiền - tôn chỉ đầu tư số 1 của huyền thoại Warren Buffett.

Rất nhiều người đã quên bài học đau thương khi xưa, hoặc cũng chưa đủ giờ bay (sự trải nghiệm) để hiểu đó là bài học gì. Đầu tiên là khái niệm “tích sản cổ phiếu”, đại ý là có tiền thay vì gửi tiết kiệm hoặc mua đất đai này kia thì hãy mua cổ phiếu, mua càng nhiều càng tốt, để dài hạn càng lâu càng tốt. Kết quả kỳ vọng sẽ là vượt trội so với các kênh đầu tư khác. Thoạt nghe tới đây có vẻ rất hợp lý nhưng quả thực nó đầy mơ hồ vì mua cổ phiếu nào, mua tại giá nào, nếu đang mua vào mà doanh nghiệp đó toang, chủ tịch đi nghỉ mát thì làm sao…

Tới đây chắc mọi người đã mường tượng ra vấn đề, mua cổ phiếu thì đơn giản, chỉ cần có tiền là mua được. Nhưng mua cổ phiếu nào để có hiệu quả cao nhất, vượt trội so với mặt bằng chung thì lại mù tịt. Muốn làm được điều này thì phải có kinh nghiệm chuyên sâu trên dưới 10 năm, ít hơn thời gian đó có lẽ mang tính hên xui. Sẽ rất nhiều người phản ứng vì điều này nhưng đó là sự thật.

Nhiều chuyên gia, thạc sĩ, tiến sĩ ngành tài chính với học vị học hàm rất cao, đào tạo bài bản tận trời tây trời đông nhưng thử hỏi mấy ai tự tin về đầu tư chứng khoán. Càng ít hơn nếu hỏi xem trong đó bao người thực sự xuống tiền mua cổ phiếu đầu tư dài hạn, hay đa số lại quăng xừ vào bất động sản đâu đó.

Cổ phiếu quá khó với đa số mọi người, bởi đơn giản nhìn ngược về quá khứ cho đến lúc này mọi chuyện quá dễ dàng nhưng khi nhận định tương lai sẽ là bài hát khác. Ai cũng thấy nếu giả sử cách đây vài năm đầu tư vào MWG, HPG, FPT, VPB… thì ngon cơm. Nhưng sắp tới thì sao, những cổ phiếu đó liệu còn tăng nữa không sau khi đã tăng rất nhiều rồi, liệu kinh doanh còn tiếp tục mở rộng không hay đang dần bão hoà… hằng hà sa số những câu hỏi cần giải đáp.

Đa số đầu tư mua vào dài hạn chủ yếu dựa trên quan điểm chủ quan theo kiểu doanh nghiệp đó có thương hiệu uy tín, tài chính lành mạnh, tăng trưởng khả quan trong quá khứ, các chỉ số định giá hợp lý… tất cả những điều này đã là quá khứ, đều chỉ là bề nổi mà thôi. Khi đào sâu chi tiết để nhận định tương lai thì đều mù tịt, và đây chính là tử huyệt của đa số mọi người.

Đầu những năm 2000, chiếm 40% thị phần toàn cầu, giá trị vốn hóa lên tới 300 tỉ USD, độc tôn trong ngành điện thoại di động với 1 tỉ khách hàng, ai có thể bắt kịp nhà vua. Nokia chính là cái tên được nhắc đến ở trên, nếu đứng trên góc độ đầu tư thì Nokia không thể bỏ qua, một cổ phiếu chất lượng thực sự và xứng đáng có trong danh mục đầu tư phù hợp với khái niệm “tích sản cố phiếu”.

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như sau chưa đầy 2 thập niên ngắn ngủi, 300 tỉ USD kia bay màu 2 số đầu, chỉ còn lại số 0 mà thôi, thương hiệu Nokia gần như bị xoá sổ. Mấu chốt là ở đây, rất khó để biết khi nào con vua ra chùa quét lá đa. Năm 2007, huyền thoại Steve Jobs ra mắt Iphone 2G, ban lãnh đạo Nokia và 99% mọi người đều cười khẩy cho rằng cũng sẽ thất bại giống những điện thoại thông minh trước đó Blackberry hay O2… Và phần còn lại đã là lịch sử.

Ngược dòng thời gian xa hơn nữa, ngành điện tử của Nhật Bản là số 1 thế giới và thương hiệu Sony là huyền thoại của những số 1 kia. Ai sở hữu siêu phẩm Sony Walkman sẽ được mọi người trầm trồ ngưỡng mộ, cảm thán “It's Sony”, kiểu như các bạn teen bây giờ cầm trên tay Iphone 12 loại xịn sò nhất. Và bây giờ, năm covid thứ 2, thương hiệu Sony chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Ao làng chúng ta cũng không ngoại lệ, những doanh nghiệp khi xưa có thể là ông lớn, là gã khổng lồ trong ngành nghề nào đó nhưng chỉ sau chưa đến một thập kỷ đã biến mất hoặc hoàn toàn mờ nhạt trên bản đồ kinh doanh Việt Nam.

Hai cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên sàn chứng khoán là REE & SAM, lúc này một đã gần như biến mất, may mắn còn REE trụ lại để tiến về phía trước với quy mô trung bình nhỏ. Ông lớn bất động sản SJS khi xưa như vì tinh tú trên bầu trời, thời mà VIC của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn chưa ai biết đến.

Và bây giờ chẳng ai bận tâm SJS là cổ phiếu nào, kinh doanh ngành gì… Hoặc những chuyện như bầu Đức với HAG, rồi chủ tịch của OGC là ông Hà Văn Thắm từng lọp nhóm 10 người giàu nhất trên sàn nhưng giờ đang bóc lịch ở đâu đó…

Đó là những cổ phiếu lớn, tạm coi là VN30 còn không chịu nổi sự khắc nghiệt của thương trường, huống chi những doanh nghiệp nhỏ như chiếc thuyền độc mộc ra khơi đánh cá trên biển lớn. Tất nhiên vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua sóng gió để tiến về phía trước, trở thành những ông lớn đích thực như VNM, HPG, MWG, FPT, TCB, VJC, NVL, VIC… Nhưng tỉ lệ giữa thành và bại có lẽ chỉ là 50/50, lúc này việc đầu tư dài hạn mang tính hên xui khá nhiều, được hay mất dựa vào khả năng tung xúc xắc của người chơi.

Điều tôi muốn gửi gắm ở đây là gì, thế giới luôn vận động ngày càng nhanh, hôm qua là số 1 nhưng ngày mai, năm sau không ai chắc sẽ thế nào. Với đầu tư cổ phiếu cũng vậy, không có chuyện nhìn qua mua đại ôm ngủ và xoa tay chờ thành quả. Thế nên, chúng ta hãy cẩn thận khi đầu tư dài hạn, đừng để khái niệm tích sản cổ phiếu này kia đánh lừa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả