QNC muốn huy động 100 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ
HĐQT CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) dự kiến lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021. Trong đó, Tổng Giám đốc QNC là cá nhân duy nhất đủ điều kiện đã đăng ký mua toàn bộ 10 triệu cp trong đợt chào bán này.
Cụ thể, QNC dự kiến chào bán 10 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Công ty có tiềm lực tài chính và khả năng góp vốn nhanh ngay khi đăng ký mua cổ phần. Danh sách đối tượng tham gia mua chỉ có duy nhất 1 cá nhân là ông Tô Ngọc Hoàng - Thành viên HĐQT kiêm TGĐ QNC.
Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của QNC dự kiến tăng từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 100 tỷ đồng sẽ được QNC sử dụng bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất xi măng (50 tỷ đồng), bổ sung vốn đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho Nhà máy xi măng Lam Thạch (35 tỷ đồng) và trả nợ nguồn vốn vay Ngân hàng đầu tư Bắc Âu (15 tỷ đồng).
Kinh doanh dưới giá vốn, QNC “ôm” lỗ hơn 20 tỷ đồng trong quý 3
Kết quả kinh doanh quý 3/2021 của QNC. Đvt: Tỷ đồng
Trong quý 3, QNC ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 269 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị báo lỗ gộp gần 2 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các các chi phí và thuế, QNC báo lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của QNC giảm 21%, xuống còn 823 tỷ đồng và lãi ròng giảm 52%, ghi nhận gần 26 tỷ đồng.
Theo giải trình của QNC, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh ở cả thị trường nội địa của xuất khẩu.
QNC cho biết sản lượng sản xuất giảm mạnh do một phần không có đầu ra, một phần vào kỳ sửa chữa lớn cả hai dây chuyền sản xuất.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu chính (than, quặng, thạch cao…) tăng 30%, nhiên liệu, dầu mỡ phụ tăng trên 50% và các loại vật tư, sắt thép đều tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán chỉ tăng 10% do còn theo xu hướng thị trường. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp như QNC không được hưởng lợi gì.
Thậm chí, các hoạt động kinh doanh khác đều có chiều hướng sụt giảm mạnh do dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Năm 2021, QNC đặt kế hoạch đem về 1,155 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, đơn vị đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 39% mục tiêu lãi sau thuế 2021.
Trên thị trường, sau khi tăng mạnh và thiết lập đỉnh tại mức 14,800 đồng/cp (02/11/2021), giá cổ phiếu QNC đã hạ nhiệt. Giá QNC chốt phiên sáng 19/11 tại mức 13,100 đồng/cp, giảm 11% so với đỉnh, khối lượng giao dịch bình quân hơn 150,000 cp/phiên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận