menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Duyên

QatarEnergy - doanh nghiệp đứng sau sự giàu có của nước chủ nhà World Cup

Qatar đã chi ít nhất 220 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup và phần lớn đến từ tiền bán khí đốt của Tập đoàn QatarEnergy.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine đã làm tăng nhu cầu với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar. Điều này cũng thúc đẩy doanh thu của QatarEnergy và củng cố vị trí của nó như một trong những công ty năng lượng quan trọng nhất thế giới. Hôm 21/11, tập đoàn này vừa ký hợp đồng trị giá 60 tỷ USD để cung cấp khí đốt trong 27 năm cho Trung Quốc.

Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của nước chủ nhà World Cup 2022 đã tăng hai phần ba trong nửa đầu năm nay lên 32 tỷ USD. Từ khi giành quyền tổ chức giải đấu này năm 2010 đến nay, Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Trong đó, phần lớn được chi trả bằng tiền thu từ xuất khẩu LNG của QatarEnergy. Năm 2021, QatarEnergy lãi ròng 92 tỷ QAR, tương đương hơn 25 tỷ USD.

QatarEnergy - doanh nghiệp đứng sau sự giàu có của nước chủ nhà World Cup
Biển quảng cáo của QatarEnergy, một trong những nhà tài trợ chính cho FIFA World Cup 2022 trong trận Arab Saudi thắng Argentina trên sân Lusail, Doha hôm 22/11. Ảnh: AFP

Theo ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu và khí đốt quốc gia QatarEnergy, quá trình phát triển của QatarEnergy được chia làm 3 giai đoạn. Hai giai đoạn đầu tập trung vào xây dựng, sau đó tối đa hóa sản lượng khí đốt trong nước để xuất khẩu và giai đoạn thứ ba là mở rộng ra quốc tế.

Được thành lập năm 1974 với tên gọi Qatar Oil và sau là Qatar Petroleum, gã khổng lồ khí đốt thuộc sở hữu của nhà nước vùng Vịnh này nổi tiếng là sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp này nợ chồng chất và có nguy cơ phá sản đầu những năm 1990 khi các nhà lãnh đạo Qatar đặt cược vào phát triển LNG từ North Field - mỏ phía Bắc Qatar, với trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.

Thời điểm đó, các nước láng giềng của Qatar chỉ tập trung vào dầu mỏ, ít quan tâm đến khí đốt. Do đó, kế hoạch của Doha được xem như một canh bạc. BP đã rút khỏi dự án North Field với QatarEnergy năm 1992 vì cho rằng nó sẽ không mang lại đủ lợi nhuận.

Tuy nhiên, 5 năm sau đó, Qatar khánh thành cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên với sự hợp tác cùng ExxonMobil, TotalEnergies, Mitsui và Marubeni. Năm 2006, Qatar vượt Indonesia để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Một thập kỷ sau đó, nước này dừng hoạt động phát triển mới tại North Field để hoàn thành các dự án dang dở. Đồng thời, Doha cũng tập trung vào việc trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nhất thế giới, không bao giờ trễ hẹn một lô LNG cho khách hàng. "Họ đã hoạt động cực kỳ hiệu quả", Leo Kabouche, chuyên gia về LNG tại hãng tư vấn Energy Aspects nhận xét.

Đến năm 2017, Doha tiếp tục lại đánh cược khi tái phát triển North Field và công bố các kế hoạch mở rộng khổng lồ ở dự án này, dù lúc đó một số nhà lãnh đạo thế giới đã nói về khả năng bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Động thái này đã kích hoạt cuộc đua giữa các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới để trở thành đối tác của QatarEnergy trong phát triển mở rộng dự án North Field. Là một phần của quá trình này, các ông lớn gồm Shell và Total đã mời QatarEnergy tham gia các dự án của họ ở những nơi khác trên thế giới. Thông qua sự hợp tác này, QatarEnergy từng bước mở rộng ra ngoài đất nước vùng Vịnh.

Hiện tại, Shell, Exxon, ConocoPhilips, Total và Eni đều đã ký các thỏa thuận mới ở North Field, giúp tăng công suất sản xuất LNG trong nước của QatarEnergy từ 77 triệu tấn lên 126 triệu tấn vào năm 2027. Ngoài ra, hợp tác với Exxon tại Mỹ cũng giúp doanh nghiệp này cung cấp được thêm 16 triệu tấn LNG mỗi năm kể từ 2025.

QatarEnergy cũng đã xây dựng được một danh mục đầu tư thăm dò rộng lớn trong thập kỷ qua, bao gồm góp cổ phần trong các dự án ở Brazil, Canada, Vịnh Mexico của Mỹ, Guyana, Suriname, Namibia, Ai Cập, Angola và Nam Phi.

"Chúng tôi có lẽ là một trong những đơn vị lớn nhất tham gia vào lĩnh vực thăm dò hiện nay. Và các bạn sẽ được chứng kiến chúng tôi làm nhiều hơn nữa", Kaabi nói.

QatarEnergy - doanh nghiệp đứng sau sự giàu có của nước chủ nhà World Cup
Diện tích thăm dò ngoài khơi của các ông lớn dầu mỏ trên thế giới, đơn vị nghìn km2. Ảnh: FT

Theo FT, việc mở rộng ra quốc tế là điều không bình thường với một công ty dầu khí nhà nước ở vùng Vịnh. Hai ông lớn Saudi Aramco và Abu Dhabi National Oil Company đều từng đầu tư vào các dự án năng lượng ở nước ngoài, nhưng đã không theo đuổi kế hoạch này. Thay vào đó, họ tập trung tối đa hóa sản xuất trong nước.

Với QatarEnergy, gia tăng sản lượng LNG trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng theo Bộ trưởng Kaabi, nguồn dầu thô từ các quốc gia như Namibia có thể mang lại sự linh hoạt và nguồn cung ngoài khí đốt ở Qatar. "Chúng tôi muốn có một chút kết hợp giữa dầu và khí đốt trong danh mục đầu tư của mình", Kaabi nói.

QatarEnergy đặt mục tiêu đạt sản lượng 500.000 thùng tương dầu từ bên ngoài Qatar vào năm 2030, so với mức 45.000 hiện tại. Trong nước, Qatar ghi nhận sản lượng 5 triệu thùng mỗi ngày, trong đó đa phần là khí đốt và chỉ có một ít dầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả