menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lan

PVS hứng thảm họa kép

Dịch COVID-19 và giá dầu thế giới giảm mạnh đã và đang khiến Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) như “ngồi trên đống lửa”.

Dù đến nay PVS chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay cũng đã báo trước một kết quả không mấy tích cực.

PVS hứng thảm họa kép

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVS.

Lãi nhờ liên doanh liên kết

PVS vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với lợi nhuận sau thuế soát xét tăng 18,75% so với báo cáo tự lập trước đó, đạt 808,3 tỷ đồng. Với kết quả này, PVS vượt tới 44% kế hoạch lãi cả năm 2019.

Theo PVS, kết quả này chủ yếu do phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng do hợp đồng cung cấp, cho thuê FPSO PTSC Lam Sơn đã được ký kết chính thức vào ngày 16/3/2020 và kết quả kinh doanh của một số công ty liên doanh, liên kết có điều chỉnh tăng sau kiểm toán.

Tính đến cuối 2019, PVS có tổng tài sản 26.004 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 61%.

PVS cho biết sẽ tiếp tục tập trung, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, đẩy mạnh và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm 2020 nhờ Hợp đồng dài hạn chính thức FPSO Lam Sơn đã ký với PVN. Cụ thể, PVS đã buộc phải áp dụng mức giá tạm thuê thấp hơn so với mức giá đã thỏa thuận do chủ thầu Lam Sơn JOC dừng Hợp đồng tại mỏ Thăng Long – Đông Đô. Do đó, Hợp đồng này khả năng sẽ tạo điều kiện cho PVS hồi tố lại phần chênh lệch với giá thuê ban đầu (tăng 20%).

808 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019, vượt 44% kế hoạch lãi cả năm 2019.

Thách thức tăng trưởng

Những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đều đã và đang chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, nhiều nhà thầu không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn làm tê liệt các hoạt động của PVS.

Không những thế, giá dầu giảm mạnh cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVS, khiến nhiều hợp đồng của doanh nghiệp này có nguy cơ bị đổ vỡ.

Trong năm 2020, PVS kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đạt 400 triệu USD dựa trên doanh thu từ dự án Nam Du U Minh và Cảng LNG Thị Vải. Tuy nhiên, do mức cạnh tranh cao và xu hướng giảm giá dầu Brent, nên biên lợi nhuận gộp sẽ không cao và chỉ đạt mức 4,7% trong năm nay. Các mảng hoạt động khác như Tàu kỹ thuật OSV, Căn cứ cảng, O&M cũng được hưởng lợi từ hoạt động xây lắp M&C cao.

Mới đây, Công ty Chứng khoán MBS đã thực hiện rà soát và điều chỉnh lại dự báo hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của PVS, theo đó, doanh thu năm 2020 được dự báo đạt 17.561 tỷ đồng, giảm 6% so với báo cáo gần nhất do chưa có thêm các dự án mới có quy mô lớn. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt có thể đạt mức 1.267 tỷ đồng và 981 tỷ đồng, giảm 11% so với dự báo lần trước của MBS.

Tuy nhiên, dự báo nói trên của MBS chưa tính đến giá dầu giảm mạnh như vừa qua. Do đó, kết quả kinh doanh năm 2020 của PVS có thể sẽ giảm mạnh hơn nữa.

Gỡ khó cho ngành dầu khí

Theo PVN, nếu giá dầu thô thế giới giảm 1 USD/thùng, doanh thu xuất bán dầu của PVN và các đơn vị thành viên sẽ giảm tương ứng khoảng 225.000 USD/ngày. Như vậy, với mức giá dầu chạm ngưỡng 10-35 USD/thùng, PVN sẽ mất khoảng 5-10 tỷ USD doanh thu trong năm 2020. Trong khi đó, giá dầu vẫn đang có xu hướng giảm mạnh hơn, thì mức độ thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều.

Chi phí khai thác dầu của Việt Nam là tương đối cao so với các nước trên thế giới khoảng 40- 50USD/thùng, trong khi đó với các nước Tây Á thì chỉ cần 15-20 USD/thùng là dự án đã khai thác tốt.

Trước tình trạng trên, PVN đã kiến nghi ̣Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Doanh nghiệp này cũng đề nghị xem xét bỏ các sản phẩm chế biến từ dầu thô ra khỏi nhóm hàng chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.

Theo đó, Bộ Tài chính đang rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại