PV Power muốn thoái sạch vốn tại Công ty Điện Việt Lào
Theo kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp, PV Power dự kiến thoái toàn bộ hơn 30,8 triệu cổ phiếu tại Điện Việt Lào - VLP, chiếm 8,64% lượng cổ phần đang lưu hành.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) thông qua kế hoạch thoái vốn khoản đầu tư. Theo đó, PV Power dự kiến thoái toàn bộ 30.805.200 cổ phiếu Công ty Cổ phần Điện Việt Lào (VLP) để giảm sở hữu từ 8,64% về còn 0% vốn điều lệ.
Tính tới 31/12/2021, PV Power đang đầu tư 320 tỷ đồng vào Điện Việt Lào theo hình thức đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Xét về hoạt động kinh, năm 2021, doanh thu hợp nhất của PV Power đạt 24.565 tỷ đồng, giảm hơn 17%% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế toàn tổng công ty năm 2021 ghi nhận 2.032 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước đó nhưng vẫn vượt hơn 53% kế hoạch năm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tổng sản lượng điện dự kiến là 13,9 tỷ kWh, tổng doanh thu là 24.242 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch đề ra là 1.012 tỷ đồng.
Bước sang tháng 1/2022, công ty ghi nhận doanh thu ở mức 2.157 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch tháng và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 2, PV Power đề ra mục tiêu sản lượng điện 808,3 triệu kWh và doanh thu 1.305 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn tại Điện Việt Lào cũng nằm trong chủ trương mà PV Power đang đẩy mạnh trong năm nay đó là tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ thực hiện công tác thoái vốn tại các đơn vị thành viên theo phương án đã được Tập đoàn phê duyệt, thông qua.
Về Điện Việt Lào, công ty này được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2002 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Việt - Lào, nhằm hiện thực hóa Hiệp định hợp tác năng lượng điện – một lĩnh vực trọng tâm trong việc hợp tác kinh tế, chính trị giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.
Mục tiêu chính của công ty là thực hiện đầu tư xây dựng các Dự án thủy điện tại Lào theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (B.O.T) để nhập khẩu phần lớn điện năng cho Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và một phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa của Lào.
Công ty này hiện đang sở hữu một số công trình thuỷ điện như Xekaman1, Xekaman Xaxay, Xekaman3, Xekaman4, Công trình Đường dây 230kV mạch kép từ Nhà máy thủy điện Xekaman1 Trạm biến áp Pleiku 2 – Việt Nam dài 190,057 km, Công trình Đường dây 230kV mạch kép từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3 đi Trạm 500kV Thạnh Mỹ - Việt Nam,..
Theo dữ liệu tới tháng 11/2019, cổ đông lớn của Điện Việt Lào bao gồm Tổng Công ty Sông Đà – CTCP sở hữu 35,11% vốn điều lệ; CTCP Quản lý Đầu tư Xây dựng Việt Hà sở hữu 20,79% vốn điều lệ; POW sở hữu 9,85% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt sở hữu 9,6% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn sở hữu 8,32% vốn điều lệ; Công ty TNHH Khải Hưng sở hữu 7,98% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai sở hữu 4,7% vốn và các cổ đông khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận