Pomina tìm nhà đầu tư mới sau khi lỗ hơn 2.000 tỷ đồng
Nợ vay của Pomina bắt đầu “phình to” từ năm 2018 khi công ty đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhà máy Pomina 3 khiến chi phí lãi vay tăng cao và Pomina rơi vào khủng hoảng nặng nề trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 và tình hình khó khăn chung của thị trường.
Công ty CP Thép Pomina sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 vào ngày 1/3 tại TP.HCM, thảo luận về phương án tái cấu trúc công ty sau thời gian dài thua lỗ.
Theo đó, HĐQT Pomina đề nghị cổ đông xem xét, phê duyệt và thông qua việc nâng mức đầu tư lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ hơn 4.975 tỷ đồng lên gần 5.880 tỷ đồng.
Được biết, nhà máy thép Pomina 3 được xây dựng từ năm 2009, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà máy đã đưa vào sản xuất chính thức năm 2012 và hiện có công suất 1 triệu tấn/năm, là một trong những nhà máy luyện phôi thép xây dựng có công suất lớn nhất Đông Nam Á.
Lò cao công suất 1 triệu tấn/năm của Pomina. Ảnh: Pomina
Tới năm 2019, công ty triển khai thực hiện dự án lò cao kết hợp lò điện và đã hoàn thành, đưa vào sản xuất từ đầu năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng quy trình sản phẩm. Tuy vậy, tới cuối năm 2022, Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào sử dụng lò điện.
Phía công ty cho biết với phương án nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu.
Với kế hoạch nâng cấp và tái khởi động lại lò cao Pomina 3, công ty dự kiến sẽ tiến hành đồng bộ các khâu luyện và cán thép nhằm tối ưu hóa năng lượng sản xuất.
Về nội dung tái cấu trúc công ty, bên cạnh việc thực hiện các phương án lành mạnh hóa có cấu tài chính, Pomina dự kiến thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ.
Pháp nhân này do Pomina góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị và nhà đầu tư chiến lược sẽ góp vốn bằng tiền. Thông tin cụ thể về vốn điều lệ và cơ cấu sở hữu của pháp nhân mới này được công bố trong tờ trình tại đại hội.
Giá trị tài sản sẽ được trình bày chi tiết tại đại hội, căn cứ theo kết quả định giá của công ty kiểm toán và sự thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược. Số tiền thu hồi sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngân hàng, nợ phải trả nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.
Đây là phương án tái cấu trúc mới sau khi Pomina tạm dừng kế hoạch huy động 700 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho đối tác Nansei Nhật Bản. Theo kế hoạch ban đầu, số vốn huy động được sẽ được dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty.
Pomina từng là một trong những nhà sản xuất thép có năng lực sản xuất và thị phần đáng kể trên thị trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Pomina liên tục chìm trong thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần 3.280 tỷ đồng, chỉ bằng 25% con số của năm 2022. Do kinh doanh dưới giá vốn cùng nhiều khoản chi phí gia tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 33% lên gần 580 tỷ đồng, công ty lỗ ròng hơn 960 tỷ đồng. Tuy vậy số lỗ này đã giảm được 28% so với mức lỗ gần 1.170 tỷ đồng năm 2022.
Pomina là doanh nghiệp thép lỗ nặng nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành và vượt xa mức lỗ kế hoạch công ty đặt ra là 150 tỷ đồng trong năm 2023. Qua đó nâng tổng lỗ luỹ kế của Thép Pomina lên hơn 1.270 tỷ đồng, bằng gần một nửa vốn điều lệ.
Giải trình về kết quả tiêu cực, Pomina cho biết nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay. Thêm nữa, tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Theo tìm hiểu, nợ vay tài chính của Pomina bắt đầu “phình to” từ năm 2018 khi doanh nghiệp này đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhà máy luyện phôi thép và sản xuất tôn mạ tại khu Pomina 3.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và tình hình khó khăn chung của thị trường, công ty đã rơi vào khủng hoảng nặng nề với kết quả lỗ ròng gần 2.100 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Cùng với kết quả kinh doanh thua lỗ, vừa qua, HOSE cũng đã gửi công văn nhắc nhở Pomina về việc nếu tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 (năm thứ ba liên tiếp) thì cổ phiếu POM có thể bị hủy niêm yết theo quy định. Trước đó, POM đã chậm nộp BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp là 2021 và 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận