Pomina: Cú trượt dài của hãng thép một thời lớn mạnh
Đà tăng trần sớm nở chóng tàn của cổ phiếu POM cùng với sự tháo chạy của những người nội bộ những ngày vừa qua như đang báo hiệu cho viễn cảnh vô cùng thách thức đang chờ đợi hãng thép lớn mạnh một thời Pomina.
Khép phiên 19/12, giá cổ phiếu POM dừng ở mức 4,950 đồng/cp, giảm gần 18% trong 7 phiên vừa qua và trả lại gần như toàn bộ chuỗi tăng trần trước đó.
Cú trượt dốc kể trên cũng có “công” của những người nội bộ. Từ tháng 7 đến nay, 7 chị em của Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã bán gần 23.5 triệu cp, tương đương 8% vốn tại Pomina. Còn nếu tính cả lượng đăng ký bán nhưng chưa hoàn tất, con số là hơn 37 triệu cp, tương đương hơn 13% vốn Pomina.
Giao dịch bán của người nội bộ Pomina
Làn sóng bán tháo của những người nội bộ, dù chưa rõ lý do thật sự là gì, nhưng là một tín hiệu rất xấu về triển vọng của doanh nghiệp. Nếu một người thân quen với doanh nghiệp còn bán ra, tại sao bạn - một cá nhân bên ngoài ít thông tin - lại không?
Nhìn vào mức giá gần 4,900 đồng/cp hiện tại, khó ai có thể hình dung Pomina là ông lớn trong ngành thép xây dựng.
Đây chẳng phải là lần đầu tiên Pomina đứng giữa môi trường kinh doanh bất lợi và những niềm tin lung lay của cổ đông. Nhưng lần này, mọi thứ trông có vẻ thê thảm hơn rất nhiều.
Vì đâu nên nỗi?
Ra đời từ cuối thập niên 2000, Pomina là một trong ba chuỗi nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1.1 triệu tấn thép xây dựng và 1.5 triệu tấn phôi. Đây là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất và là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại khu vực phía Nam.
Nhìn ngược về quá khứ, đã từng có lúc Pomina kinh doanh cực kỳ bùng nổ, với lãi ròng mỗi năm lên tới 400-650 tỷ đồng như giai đoạn năm 2008-2011 và 2016-2018. Tuy nhiên, vốn là ngành mang nặng tính chu kỳ, hậu giai đoạn bùng nổ cũng là lúc kết quả kinh doanh của Pomina cực kỳ ảm đạm, lỗ nặng đến hòa vốn.
Lần kết quả kinh doanh khởi sắc gần nhất của Pomina diễn ra vào năm 2021 trong bối cảnh ngành thép bước vào giai đoạn cực kỳ thuận lợi và các doanh nghiệp thép thi nhau báo lãi.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu POM cũng tăng thẳng đứng từ 5,000 đồng/cp lên hơn 20,000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021
Tuy nhiên, bước tăng phi mã trên chỉ đến một phần từ kết quả kinh doanh, mà phần lớn được hậu thuẫn bởi thị trường giá lên hiếm thấy khi đại dịch COVID-19 khiến người dân tìm tới kênh chứng khoán để kiếm tiền.
Tại thời điểm đó, người tham gia thị trường đã lạc quan thái quá về khả năng duy trì lợi nhuận của ngành thép, nhưng kỳ vọng tích tụ càng lớn thì khi kết quả không được như kỳ vọng, cổ phiếu lại giảm càng thảm. Đó là những gì đã diễn ra khi ngành thép bước sang bên kia sườn dốc vào cuối năm 2021 và sau đó là thị trường chung cũng sụt mạnh.
Kinh doanh lỗ nặng hơn 1,600 tỷ đồng trong 7 quý
Nhưng khác với các cổ phiếu khác trong ngành, POM trượt dài tới tận 1 năm rưỡi xuống 3,500 đồng/cp và vẫn không hồi phục ngay khi các cổ phiếu khác đã gượng dậy.
Nhìn vào kết quả kinh doanh, dễ hiểu vì sao nhà đầu tư lại bi quan đến thế. Trong 7 quý vừa qua, Pomina lỗ hơn 1,600 tỷ đồng, thê thảm hơn các công ty thép khác rất nhiều và chưa có dấu hiệu quay đầu.
Trong đó, năm 2022 lỗ kỷ lục hơn 1,000 tỷ đồng, với giá thép lao dốc và nhu cầu tiêu thụ cực kỳ ảm đạm. Với Pomina, nguyên nhân còn đến từ chi phí vận hành lò cao ngất ngưỡng.
Nhìn lại, Chủ tịch Đỗ Duy Thái nhìn nhận 2022 là một năm thách thức với ngành thép dù GDP Việt Nam tăng trưởng 8.02%. “Đó là thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn thua lỗ”, ông nói.
Khủng hoảng thanh khoản trầm trọng
Sau giai đoạn lỗ nặng, Pomina lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng và có khoản nợ quá hạn hơn 3,000 tỷ đồng.
Để củng cố tồn tại và củng cố tình hình tài chính, hãng thép có trụ sở ở Bình Dương quyết định phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cp cho Nansei Steel.
Ngoài ra, Pomina dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Để được vay vốn, Công ty sẽ thế chấp quyền sử dụng đất (thuê 30 năm và có diện tích 42,890 m2) tại lô M, KCN Sóng thần II, tỉnh Bình Dương, quyền sở hữu văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại khu đất này, cùng với máy móc thiết bị và các tài sản khác.
Với lượng tiền thu về, Pomina sẽ khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty. Về thị trường tiêu thụ, công ty tập trung vào các thị trường trong nước và Campuchia, nhất là tại các tỉnh mà Pomina đang có thị phần đứng thứ 2 hoặc thứ nhất.
Chờ đợi sự hồi phục của ngành
Nhìn về phía trước, ngành thép xây dựng vẫn chưa thể phục hồi ngay khi ngành bất động sản đình trệ.
Tại cuộc họp thường niên cách đây 5 tháng, Chủ tịch Đỗ Duy Thái đánh giá: “Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian”.
Theo ông, ngành thép xây dựng phải phụ thuộc vào ngành bất động sản và do đó, phải đợi đến giữa năm 2024 mới có thể hồi phục trở lại. Đầu tư công cũng có thể là chất xúc tác khác cho ngành thép.
Với 40 năm kinh doanh trong ngành, vị Chủ tịch Pomina nhận định: “Khi giá xuống tới đáy, sẽ có cơ hội để bật lên cao hơn. Hợp tác với Nansei để chuẩn bị tài chính cho năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng tôi phải làm. Tôi tin rằng những tháng cuối năm 2024 thị trường sẽ trở lại và khi đó, chúng ta có đủ tài chính để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận