PNJ lấy lại đà phục hồi sau dịch COVID-19
Kết thúc 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của PNJ đạt 11.668,07 tỷ đồng, giảm 0,09%, lợi nhuận sau thuế đạt 642,01 tỷ đồng, giảm 20,34% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vừa công bố doanh thu quý III/2020 đạt 3.922 tỷ đồng, giảm 0,3%; lợi nhuận ròng đạt 202 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh này này được xem là khá tích cực dưới tác động của COVID-19 đến thu nhập khả dụng của người dân và sức mua đối với trang sức nói chung.
Kết thúc 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của PNJ đạt 11.668,07 tỷ đồng, giảm 0,09%, lợi nhuận sau thuế đạt 642,01 tỷ đồng, giảm 20,34% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu mảng bán lẻ vàng, bạc nữ trang chịu ảnh hưởng nặng nề khi làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào đầu tháng 8/2020 dẫn đến thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng và nhu cầu mua trang sức bị sụt giảm. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng, kênh bán lẻ vẫn ghi nhận tăng nhẹ 4,09%.
Mảng kinh doanh vàng miếng vẫn ghi nhận tăng trưởng 19% trong quý III/2020. Luỹ kế 9 tháng/2020, doanh thu từ kinh doanh vàng miếng tăng 15,63% do nhu cầu tích trữ của người tiêu dùng trong thời gian dịch COVID-19.
Mảng bán sỉ ghi nhận giảm 40% trong quý III/2020. Luỹ kế 9 tháng/2020, doanh thu mảng sỉ giảm 27,17%.
Trong tháng 9, PNJ mở mới 2 cửa hàng và đóng 1 cửa hàng PNJ Gold. Lũy kế 9 tháng PNJ mở mới 23 và nâng cấp 8 cửa hàng PNJ Gold, đóng 30 cửa hàng (13 cửa hàng Silver và 17 cửa hàng Gold).
Theo phân tích của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VBCS), kết quả kinh doanh của PNJ trong quý III/2020 tương đối tích cực trong bối cảnh thị trường vàng bạc trang sức chịu ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 đã cho thấy năng lực nội tại và tiềm năng tăng trưởng của PNJ trên thị trường vàng, bạc trang sức.
Nhóm phân tích cũng cho rằng, PNJ được hưởng lợi nhiều từ những tiềm năng tăng trưởng dài hạn đến từ dân số Việt Nam với hơn 97 triệu người với 69,3% dân số thuộc nhóm tuổi từ 15-64, nằm trong độ tuổi lao động và tiêu dùng, trong đó có 51% dân số là nữ, là nhóm đối tượng có nhu cầu cao đối với tiêu dùng trang sức.
Cùng với đó là thu nhập của tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu.
Bên cạnh đó thị trường còn xuất hiện những cơ hội gia tăng thị phần đối với các nhà bán lẻ có thương hiệu lớn, những cơ hội này đến từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ/thương hiệu nhỏ không thể chống cự được sau thời gian dịch COVID-19.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng kết quả kinh doanh quý 3/2020 giữa bối cảnh thị trường trang sức vàng chịu ảnh hưởng từ COVID-19 là minh chứng rõ nét nhất cho những điểm nhấn nội tại của PNJ với chất lượng thương hiệu của nhà bán lẻ trang sức với hệ thống cửa hàng hàng đầu và năng lực sản xuất cũng như năng lực phân tích và dự báo thị hiếu khách hàng trong suốt quá trình phát triển và tiếp tục cải thiện với các giải pháp số hóa.
"Với năng lực nội tại đang có, PNJ được định vị là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất với việc tiêu thụ trang sức tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng cùng với xu hướng tăng trưởng mức thu nhập khả dụng bình quân. Cùng với đó là xu hướng chuyển dịch sức mua từ các cửa hàng nhỏ lẻ sang các nhà bán lẻ có thương hiệu và chất lượng đồng nhất và triển vọng gia tăng thị phần từ chính một số chuỗi bán lẻ có thương hiệu không thể chống chọi với khó khăn phần nào do tác động của COVID-19", báo cáo của BVSC nhận định.
Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo PNJ, doanh số bán lẻ trang sức vào dịp ngày 20/10 (ngày Phụ nữ Việt Nam) đạt mức tăng trưởng 50%, qua đó giúp duy trì tăng trưởng bán lẻ trong tháng 10 tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.Tuy nhiên, với việc tác động COVID-19 đến nền kinh tế và thu nhập nhìn chung, sức mua chung đối với trang sức trong giai đoạn cuối năm vẫn sẽ kém tích cực so với năm 2019.
Với riêng PNJ, tăng trưởng của mảng bán lẻ cũng khó được duy trì khi đóng góp từ sức mua nhóm đối tượng khách hàng trung và cao cấp sẽ ít hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, BVSC dự báo mức lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2020 và cả năm 2020 lần lượt ở mức 339 tỷ đồng, giảm 12% và 981 tỷ đồng, giảm 18%.
Thị trường trang sức Việt Nam so với các nước trong khu vực cho thấy mức tăng trưởng vẫn đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), lũy kế 9 tháng năm 2020, tiêu dùng trang sức của Việt Nam đạt 7,9 tấn (-41,45%) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tương đương so với mức giảm của toàn thế giới (-41,02% ) nhưng tương đối khả quan so với một số nước trong khu vực như: Indonesia (-57,41%), Singapore (-48,82%) và Thái Lan (-53,39%).
Các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng, kết quả kinh doanh của PNJ có triển vọng hồi phục và tăng trưởng trở lại trong 2021.
Tuy nhiên, tăng trưởng ngắn hạn 2 quý sắp tới sẽ khá thách thức dù được hỗ trợ bởi yếu tố lễ hội dịp cuối năm 2020 và đầu năm mới.
Với kỳ vọng việc vaccine COVID-19 bắt đầu được phê duyệt cuối năm nay và lưu hành phổ rộng rãi từ cuối quý II/2021 sẽ giúp khôi phục lại các hoạt động kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang cho thấy đáy của tăng trưởng đã có thể nằm ở quý II/2020, là cơ sở để kỳ vọng sức mua sẽ có cải thiện, đặc biệt là sức mua với các mặt hàng trang sức vốn không phải là nhu cầu thiết yếu.
Mặc dù có triển vọng tốt trong năm 2021, nhưng các chuyên gia BVSC cho rằng do mức nền cao của giai đoạn trước dịch, tăng trưởng về lợi nhuận hoạt động kinh doanh trong quý IV/2020 và Quý I/2021 vẫn chưa trở lại mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, BVSC dự báo lợi nhuận sau thuế của PNJ trong quý IV/2020 ở mức 339 tỷ đồng.
Về mặt dài hạn, nhóm nghiên cứu VBCS kỳ vọng những triển vọng tích cực trong dài hạn đến từ nỗ lực mở rộng danh mục sản phẩm kinh doanh của PNJ cùng với tiềm năng tăng trưởng của thị trường vàng bạc trang sức tại Việt Nam.
Trước sự hồi phục nhanh chóng của ngành bán lẻ trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, PNJ đã củng cố thêm vị thể của một doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh 9 tháng đáng khích lệ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận