24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phương Tây "tung đòn" trừng phạt Nga: Ai thiệt hại nhiều hơn?

Theo chuyên gia, cuộc chiến tài chính và năng lượng giữa Nga và phương Tây tiềm ẩn những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng, cuộc chiến trừng phạt kinh tế giữa Nga và phương Tây gần như mới bắt đầu.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh không ngừng tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế vào hệ thống tài chính của Nga, trừ lĩnh vực năng lượng.

Phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước “các lệnh trừng phạt của phương Tây” là đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao. Nga cũng có thể "tấn công" vào nhu cầu năng lượng của châu Âu để thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.

"Ăn miếng trả miếng"

Sau nhiều ngày thảo luận, các quốc gia phương Tây tuyên bố rằng lệnh trừng phạt sẽ áp dụng đối với Ngân hàng trung ương Nga và một số ngân hàng khác sẽ bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT - hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu an toàn được các ngân hàng trên thế giới sử dụng cho các giao dịch quốc tế.

Quyết định của các quốc gia phương Tây mang lại nhiều bất ngờ bởi trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, Nga nắm giữ 643 tỷ USD dự trữ ngoại hối, lớn thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sỹ.

Chuyên gia phân tích Zoltan Pozsar của ngân hàng Credit Suisse cho rằng, ước tính có khoảng 300 tỷ USD của Nga được gửi ở nước ngoài.

Mặc dù các quốc gia phương Tây chưa đưa ra chi tiết về mức độ hạn chế giao dịch đối với các ngân hàng Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt ngăn chặn Ngân hàng trung ương Nga tiếp cận các khoản dự trữ ngoại hối đã làm giảm tác động của lệnh trừng phạt.

Trước đó, vào năm 2019, khi cựu Tổng thống Donald Trump trừng phạt Ngân hàng trung ương Iran, Mỹ đưa ngân hàng của Iran vào “danh sách đen” để ngăn cản giao dịch bằng đồng USD mà còn cấm các tổ chức khác trên thế giới giao dịch với ngân hàng này.

Chuyên gia Credit Suisse cho rằng, việc đóng băng các quỹ của Nga ở nước ngoài sẽ gây bất ổn trên thị trường tài chính thế giới, đẩy biên độ giữa lãi suất đi vay và cho vay cao hơn. Nga khó bảo vệ đồng tiền của mình, đồng Ruble có thể bị mất giá mạnh, lạm phát tăng và buộc Ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.

Trung Quốc sẽ cần hành động thận trọng và cân nhắc trong việc hỗ trợ Nga vì khi Ngân hàng trung ương Nga bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt, Trung Quốc sẽ khó hỗ trợ tài chính bởi có nguy cơ bị trừng phạt. Trước đây, Trung Quốc luôn tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) không nêu rõ ngân hàng nào của Nga sẽ bị loại khỏi mạng lưới SWIFT. Tuy nhiên, G7 có thể sẽ phải cân nhắc việc đưa vào danh sách các tổ chức và cá nhân cần để thanh toán cho việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Cơ quan thống kê Đức vào tuần trước ước tính, chỉ riêng Đức đã chi 19 tỷ Euro (27 tỷ USD) cho dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm 2021.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các biện pháp trừng phạt cứng rắn vẫn có thể cho phép các giao dịch về năng lượng. Trong bối cảnh, bầu cử quốc hội Mỹ vào cuối năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden rất muốn tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, đây có thể là biện pháp trả đũa mạnh mẽ của Nga đối với Mỹ và phương Tây.

Tuần trước, khi Đức tuyên bố hủy kế hoạch cấp phép cho dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), cựu Tổng thống Nga và hiện là Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã viết trên Twitter cho rằng: “Chào mừng đến với thế giới mới, người châu Âu sẽ phải trả 2.000 Euro (khoảng 2.300 USD) cho mỗi 1.000 m3 khí tự nhiên”.

Trên thực tế, châu Âu đã phải trả 2.200 Euro vào ngày 22/2 và giá dầu tăng vọt lên gần 106 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm. Thời gian tới, giá dầu có thể tăng lên 150 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008 khi Nga triển khai chiến dịch quân sự liên quan đến Gruzia.

Cho đến đầu năm 2022, nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Dự trữ Australia, coi áp lực lạm phát gia tăng chỉ tồn tại “nhất thời” do áp lực nguồn cung xuất phát từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến tình hình tồi tệ thêm, làm tăng nguy cơ “lạm phát đình trệ” theo kiểu những năm 1970 với kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao.

Bên cạnh đó cũng xuất hiện mối đe dọa kinh tế khác đối với các nhà sản xuất vi mạch trên thế giới phải phụ thuộc vào nguồn khí hiếm tại Ukraine.

Căng thẳng Nga và Ukraine có thể gây bất ổn trên thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu vì Nga là nguồn xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất trên toàn cầu, trong khi Ukraine đứng thứ 5, chỉ sau Australia.

Giống như nhiều mặt hàng khác, lúa mỳ vốn đã khan hiếm với giá cả tăng nhanh trước khi Nga thực hiện chiến lược quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Như vậy, các nước phương Tây có thể phải cân nhắc trong việc loại mặt hàng lúa mỳ ra khỏi các lệnh trừng phạt như dầu và khí đốt hay không? Bên cạnh đó, Nga cũng là nước xuất khẩu các kim loại có ứng dụng công nghệ cao quan trọng như nhôm, niken, titan và Ukraine là nhà cung cấp khí hiếm được sử dụng trong sản xuất vi mạch.

Mặc dù cả Nga và Ukraine đều không hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách của các nền kinh tế lớn của phương Tây và châu Á, nhưng cả hai đều là những quốc gia tiên tiến có mối liên kết nhất định đối với phần còn lại của thế giới.

Do đó cuộc khủng hoảng của hai nước này sẽ không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga và Ukraine, mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

(theo The Strategist)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả