Phục hồi thị trường trái phiếu: Ngân hàng sẽ giữ vai trò “giải cứu” thanh khoản?
Không có chuyện ngân hàng tham gia “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp, song sự vào cuộc một cách có chọn lọc của ngân hàng có vai trò lớn trong việc kiến tạo thanh khoản, giúp thị trường hồi sinh.
Sửa cơ chế cho phép ngân hàng vào cuộc cứu thanh khoản trái phiếu
“Ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò rất lớn trong kiến tạo thanh khoản”, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings nhận định khi nói về nhu cầu trái phiếu trên thị trường hiện nay.
Niềm tin nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đóng băng. Gần 2 tháng đầu năm, chỉ một trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công, tổng giá trị chưa bằng 1% cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất không còn hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi, trong khi rủi ro lớn hơn nhiều khiến nhà đầu tư cá nhân không còn mặn mà với trái phiếu. Mọi nhu cầu “giải cứu” trái phiếu chỉ còn dựa vào nhà đầu tư tổ chức, trong đó ngân hàng được coi là “tay to” giàu tiềm năng nhất, xét cả về tính chuyên nghiệp, cũng như tiềm lực vốn.
“Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ”, bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland đề xuất.
Tại hội nghị tín dụng bất động sản gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cảnh báo, NHNN sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là với doanh nghiệp có trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn thanh toán. Các ngân hàng thương mại phải thực hiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định của NHNN.
Song TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất: “NHNN nên cân nhắc điều chỉnh Thông tư 16/2022/TT-NHNN, Thông tư 22/2019/TT-NHNN và sửa Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn với trái phiếu doanh nghiệp và cho vay góp vốn, tài trợ chuyển nhượng dự án”.
Thông tư 16/2022/NĐ-CP đã siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng. Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị NHNN sửa đổi Thông tư theo hướng gỡ bỏ quy định này. Thực tế, Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã cho phép doanh nghiệp hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ do chính doanh nghiệp phát hành (đảo nợ).
Theo giới chuyên gia, thực tế, nhiều doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt, song do ảnh hưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên dòng tiền bị đứt đoạn. Nếu được ngân hàng tham gia “đảo nợ” trái phiếu, họ sẽ sớm vượt qua khó khăn.
Hơn nữa, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được ngân hàng nắm giữ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp gặp khó trong đảo nợ trái phiếu, nợ xấu trái phiếu của các ngân hàng cũng sẽ tăng. “Áp lực này sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng trích lập nhiều hơn”, ông Lê Hồng Khang cảnh báo.
Hiện doanh nghiệp mong đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ trái phiếu, thúc đẩy thị trường hồi phục. Tuy vậy, nhóm phân tích của FiinGroup cho rằng, thị trường trái phiếu chỉ có thể phục hồi nửa cuối năm nay, nếu các ngân hàng tiếp tục cho vay bất động sản có chọn lọc, khôi phục hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua trái phiếu doanh nghiệp.
“Quá trình cơ cấu nợ trái phiếu sẽ cần sự hỗ trợ của NHNN thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm”, nhóm phân tích của FiinGroup nhận định.
Tín dụng “chia lửa” cùng trái phiếu
Bên cạnh tham gia tái cơ cấu, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu, theo các chuyên gia, ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực dòng tiền đáo hạn trái phiếu bằng cách tăng tín dụng lĩnh vực này. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngay trong tháng 2, NHNN nên cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại để họ chủ động triển khai thực hiện sớm.
Theo các chuyên gia, tín dụng bất động sản sẽ không quá rủi ro, nếu ngân hàng thương mại chọn lọc kỹ dự án có pháp lý đầy đủ, giá cả hợp lý và kiểm soát được dòng tiền theo chu kỳ khép kín. Thực hiện hiệu quả được giải pháp này, sẽ đem lại lợi ích cho người mua nhà với yêu cầu giảm giá với chủ đầu tư, ngân hàng kiểm soát được tốt hơn rủi ro tín dụng, chủ đầu tư bán được hàng góp phần khôi thục cả thị trường vốn và thị trường bất động sản.
Bên cạnh mong muốn được tiếp cận tín dụng, hạ lãi vay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hệ số rủi ro bất động sản thường được các ngân hàng áp dụng với doanh nghiệp bất động sản ở mức 200%. Tuy vậy, với dự án có đầy đủ tính pháp lý, rủi ro gần như là 0%, việc áp dụng hệ số 200% là quá cao, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay và lãi suất cho vay với doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp mong mỏi chính sách có sự dự báo nhất định, không có những “cú phanh gấp” khiến doanh nghiệp lao đao, bị động. “Tín dụng vẫn là ‘nguồn sữa’ chính cho các doanh nghiệp, nên chính sách tín dụng cần có ‘dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty GP.INVEST kiến nghị.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Bộ Xây dựng nên phân loại bất động sản thành 5 nhóm, trên cơ sở đó NHNN áp dụng hệ số rủi ro khác nhau tùy mức độ rủi ro, thay vì áp dụng khá cào bằng hiện nay.
Việc tăng cho vay, giảm lãi suất và xem xét lại hệ số rủi ro sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để sống sót trong bối cảnh thị trường trái phiếu đóng băng. Dĩ nhiên, giải pháp chính hiện nay vẫn là doanh nghiệp phải quyết liệt tái cơ cấu, giảm mạnh giá bán tài sản để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ.
Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản không chỉ phải đối mặt với các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn, mà còn phải chịu áp lực lớn với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ, không trả được nợ ngân hàng. Do đó, việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ… là sự hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn hiện nay với ngành bất động sản.- Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận