24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phong ba chưa dứt với kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu liên tục được dự báo phải đương đầu với nhiều khó khăn như con tàu đang đi ngược với nhiều cơn gió mạnh. Các nền kinh tế có vai trò dẫn dắt vẫn còn mong manh trong tăng trưởng.

Kinh tế toàn cầu liên tục được dự báo phải đương đầu với nhiều khó khăn như con tàu đang đi ngược với nhiều cơn gió mạnh. Các nền kinh tế có vai trò dẫn dắt vẫn còn mong manh trong tăng trưởng.

LẠM PHÁT MỸ VẪN NÓNG, KINH TẾ CHƯA ẤM LẠI

Vấn đề lạm phát cao ở Mỹ nhiều tháng qua vẫn tiếp tục gây đau đầu cho kinh tế thế giới vì tình trạng lãi suất cao vẫn hiện diện tại nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed (Ngân hàng Trung ương Mỹ) tăng lãi suất lên 5,25 - 5,5% vào tháng 7/2023, mức cao nhất trong 22 năm. Các chuyên gia đang kỳ vọng Fed sẽ có thể kết thúc chiến dịch tăng lãi suất, nhưng kỳ vọng này chưa có gì bảo đảm là chắc chắn.

Bộ Lao động Mỹ ngày 11/8 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi đều tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần tăng 3,2% và CPI lõi tăng 4,7%. Các con số này đều thấp hơn một chút so với dự báo trước đó của giới phân tích.

Sau khi báo cáo này được công bố, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, Mary Daly, thể hiện quan điểm thận trọng. Bà nói số liệu lạm phát gần đây cho thấy xu hướng giảm nhưng vẫn cần có thêm các diễn biến theo chiều này thì bà mới dám đánh giá rằng Fed đã tăng lãi suất tới đỉnh.

Từ đầu năm 2022, Fed đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và đợt tăng vào tháng 7 đã đẩy lãi suất của Mỹ lên cao nhất tính từ năm 2001. Ngày 5/8, bà Michelle Bowman, Thống đốc của Fed, cho biết, Fed sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo thị trường lao động của Mỹ trong tháng 8 này cùng với các chỉ số lạm phát sắp tới trước khi đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo vào cuối tháng 9/2023.

Ngày 7/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng Mỹ và cảnh báo sẽ đánh giá lại tình trạng của một số ngân hàng hàng đầu của nền kinh tế số một thế giới. Moody’s hạ một bậc tín nhiệm đối với 10 ngân hàng Mỹ (gồm M&T Bank, Pinnacle Financial Partners, Prosperity Bank, BOK Financial) và đưa một số ngân hàng lớn khác vào diện xem xét hạ tín nhiệm, là BNY Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial. Moody’s cũng đã thay đổi triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực” đối với một số ngân hàng gồm Capital One, Citizens Financial và Fifth Third Bancorp. Tổng cộng, Moody’s điều chỉnh đánh giá đối với 27 ngân hàng ở Mỹ.

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG

Tại một sự kiện gây quỹ chính trị ở bang Utah, Mỹ ngày 10/8, Tổng thống Joe Biden ví các vấn đề kinh tế của Trung Quốc hiện nay như “quả bom hẹn giờ”.

Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc rơi vào giảm phát và giá xuất xưởng của sản phẩm tiếp tục đà giảm trong tháng 7. Các chuyên gia đánh giá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm hơn nhiều với tình hình ảm đạm trong tiền lương và giá tiêu dùng.

Cùng ngày nhưng trước khi ông Biden nêu ý kiến trên, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang cố kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc vì ông Biden vừa ký lệnh siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư của Mỹ vào những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm ở đại lục, gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Theo AP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc chính quyền Biden đang theo đuổi “quyền bá chủ công nghệ”, đồng thời yêu cầu Washington “lập tức thu hồi quyết định sai lầm”. Trung Quốc cảnh báo những biện pháp hạn chế như vậy sẽ tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn vẫn chưa phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, tại sự kiện ở Utah, ông Biden nhấn mạnh ông không muốn làm tổn thương Trung Quốc mà muốn có “quan hệ phù hợp” với nước này. Cùng ngày, đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC sẽ phân tích lệnh cấm của Mỹ liên quan tới các khoản đầu tư mới của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực trên.

Một người phát ngôn (không ghi tên) của EC cho Reuters biết qua email: “Chúng tôi ghi nhận sắc lệnh về đầu tư ra nước ngoài do chính quyền Washington ban hành ngày 9/8. EC sẽ phân tích sắc lệnh hành pháp này một cách kỹ lưỡng, và đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ”.

Từ Anh, Thủ tướng Rishi Sunak đang cân nhắc xem có nên hay không hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Chính phủ Anh cho biết sắc lệnh của ông Biden cho thấy rõ ràng thái độ của Mỹ. Anh sẽ theo dõi sát sao các biện pháp mới này trong khi tiếp tục đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn gắn liền với một số khoản đầu tư.

HỢP TÁC ĐỂ GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC

Một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân cuối tháng 6/2023 do WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức, là thảo luận về “gió chướng” mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt nhằm tìm ra biện pháp khôi phục tăng trưởng. Tại Diễn đàn, lãnh đạo các nước cho biết kinh tế toàn cầu đang đối mặt các thách thức to lớn từ cạnh trạnh địa chính trị giữa các nước, bùng nổ nợ toàn cầu, tăng trưởng toàn cầu trì trệ, lạm phát tăng và ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Phong ba chưa dứt với kinh tế thế giới

Ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF, nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời điểm có nhiều thay đổi và đứt gãy chưa từng có. Tiến bộ trong khoa học và công nghệ đan xen với những căng thẳng địa chính trị gay gắt và nhiều thách thức xã hội và môi trường”.

Lãnh đạo các nước cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và đoàn kết; đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng; thu hẹp khoảng cách phát triển kỹ thuật số giữa các vùng trên thế giới; Thảo luận về chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải carbon, các công nghệ nổi bật, nhất là trí tuệ nhân tạo. Họ khẳng định đã có những tiến bộ trong tiến trình chuyển đổi xanh nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với sự công bằng của quá trình chuyển đổi như: khả năng tiếp cận năng lượng hợp lý, công bằng và phát triển kinh tế bền vững.

Diễn đàn WEF Thiên Tân nêu bật vai trò của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xác định đây là động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Trong đó, kinh tế Trung Quốc được nhận định sẽ đóng góp khoảng 1/3 cho tăng trưởng toàn cầu năm 2023.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Lý Cường cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 5% năm 2023, đạt mục tiêu nhưng không cao như kỳ vọng của nhiều chuyên gia phương Tây trước đó nhận định. Ông Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ ban hành các chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu nội địa và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả