Phó Thủ tướng nói về tiền đề để hướng đến thị trường điện cạnh tranh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo.
Hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp
Chiều 29/5, tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến các ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn Quốc hội đã có sự đồng hành, quan tâm, phối hợp và hỗ trợ cho Chính phủ để thực hiện thể chế hóa các chính sách pháp luật.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó đã ban hành Nghị quyết 24 năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng.
Về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia JETP và đã cùng với các đối tác phát triển, các nước G7 và một số nước khác đã xác định nhu cầu Việt Nam trong quan điểm chuyển đổi công bằng cần có sự tham gia công bằng của các nước phát triển và đã công bố tại COP28.
Đồng thời, đã thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các tổ công tác liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa vào chương trình và mong Quốc hội sớm cho sửa Luật Điện lực. Trong đó, có đề cập đến vấn đề năng lượng tái tạo và các chính sách phát triển kinh tế xanh liên quan đến năng lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo.
Ông cho biết, Thủ tướng cũng đã có yêu cầu trong tháng này phải ban hành được nghị định về vấn đề liên quan đến điện áp mái, với tinh thần khuyến khích người dân tham gia để có đóng góp, bổ sung cho nguồn điện.
"Đồng thời, xác định đối với các hộ sử dụng điện áp mái trong các khu công nghiệp thì sẽ không đưa nguồn điện này lên đường dây 500kV mà hoàn toàn thực hiện mua, bán điện trực tiếp. Để từ đấy, hình thành một nghị định quan trọng đó là cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đây chính là tiền đề để chúng ta hướng đến thị trường điện cạnh tranh", Phó Thủ tướng cho hay.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo bài bản. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và đã xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước.
Chúng ta đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hành động cụ thể… với khoảng 60 dự án. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện đã có cơ chế liên kết vùng, là cơ sở để các địa phương lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra.
Luật Đất đai sẽ đưa giá đất sát giá thị trường
Đối với vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều liên quan đến tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Quốc hội đã thông qua 3 Luật này, hiện nay Chính phủ đặt quyết tâm rất cao, dự kiến 1/7 nếu được 3 Luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết khoảng 60% những hạn chế, yếu kém liên quan đến 3 luật trên.
Còn một số quy định luật giao Chính phủ (14 Nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các Bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.
“Vấn đề định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, Phó Thủ tướng nói và cho biết phản ánh này chỉ khó khăn trước khi có Luật Đất đai 2024. Còn sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành thì các địa phương sẽ tin tưởng, rõ ràng, cụ thể, minh bạch và có thể triển khai.
Những vấn đề đã được quy định trong Luật, Phó Thủ tướng cho biết đã lấy ý kiến của địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm cơ quan tư vấn, hội đồng... tất cả mọi quy trình này đều triển khai một cách minh bạch.
Đặc biệt, trong Luật đã giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn đó là giá đất phù hợp sát giá thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận