Phó Thống đốc: Gói cho vay nhà ở xã hội vẫn vướng, chưa giải ngân hiệu quả
Gói cho vay nhà ở xã hội vẫn vướng, chưa giải ngân hiệu quả nên cần giải quyết vấn đề vốn để thị trường bất động sản có được giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thúc đẩy nguồn cung tránh tình trạng lũng đoạn, đầu cơ, trục lợi.
Sáng 11/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau thời gian Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành địa phương chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, thị trường bất động sản có những chuyển biến tích cực, vượt qua khó khăn nhất.
Tại một số địa phương như TP.HCM triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công các yêu cầu; giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản thành phố tổng hợp kiến nghị. Còn tại Hà Nội, có 404 dự án đã giải quyết 81 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động 67 dự án (đã có quyết định kéo dài thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng do nguyên nhân khách quan).
Mặc dù vậy, DN kinh doanh bất động sản vẫn có nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng hoặc giãn, hoãn tiến độ, do có các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án, trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng. Các khó khăn vướng mắc về mặt thể chế đã được tháo gỡ khi các luật mới được Quốc hội thông qua, như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do các đạo luật này chưa có hiệu lực thi hành nên chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Tại cuộc họp, đề cập vấn đề phát triển thị trường nhà ở xã hội, một số DN kiến nghị rút ngắn thời gian trong rà soát pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Đề cập tới khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank,… cho biết, khó khăn giải ngân là do khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, tính thanh khoản của dự án…
Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, không phải tất cả DN tiếp cận có nhu cầu vay vốn tại thời điểm này, khi ngân hàng đến tiếp cận, có đến 1/2 chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai dự án, hoặc có trường hợp bắt đầu triển khai dự án nhưng đang sử dụng vốn tự có.
“Để triển khai đẩy nhanh tiến độ giải ngân, BIDV thấy rằng những điều kiện về pháp lý cần có thời gian để tiếp tục giải quyết, như các khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, các điều kiện để chuyển nhượng hoặc toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản”, ông Phương chỉ ra.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, gói cho vay nhà ở xã hội vẫn vướng, chưa giải ngân hiệu quả… Do vậy, cần giải quyết vấn đề vốn để thị trường BĐS có được giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu. Thúc đẩy cung trong thị trường bất động sản tránh tình trạng lũng đoạn, đầu cơ, trục lợi.
Ngay ngày mai (12/3), NHNN sẽ có Hội nghị với Bộ Xây dựng, các Hiệp hội và một số DN có các dự án bàn về vấn đề vì sao gói 120.000 tỷ còn có vướng; tiếp tục chỉ đạo hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại. Cùng với đó là tiếp tục chương trình giãn hoãn nợ để dự án và những người đang vay khó khăn vốn tiếp tục kéo dài chương trình này. Vấn đề cơ bản mấu chốt chính là tạo điêu kiện cho cầu tiếp cận nguồn cung, đẩy mạnh nguồn cung, trên cơ sở đó tạo điều kiện giảm giá bất động sản, giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung cầu nhưng cũng giảm giá với các dự án bấy lâu nay bị đẩy giá gây lũng loạn đầu cơ trong lĩnh vực này, trong nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái kinh tế, bao gồm nhiều ngành nghề như ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá kỹ hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền.
Đối với các nhà đầu tư, DN bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc khắc phục ‘nghịch lý’ thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp, giải quyết tình trạng ‘thổi giá’, ‘đẩy giá’…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận