Philips bán mảng thiết bị gia dụng cho Trung Quốc với giá 5,2 tỉ đô la
Hãng điện tử Philips (Hà Lan) hôm 25-3 cho biết sẽ bán mảng thiết bị điện tử gia dụng cho quỹ đầu tư Hillhouse Capital (Trung Quốc) với giá 5,2 tỉ đô la Mỹ, bao gồm quyền sử dụng thương hiệu Philips trong 15 năm, để tập trung mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Đây là thương vụ thanh lý tài sản có biên lợi nhuận thấp mới nhất của Philips, một công ty có xuất phát điểm là nhà sản xuất bóng đèn cách đây hơn một thế kỷ và dần mở rộng danh mục đầu tư sang hàng loạt sản phẩm điện khác từ thiết bị bán dẫn cho đến bàn chải đánh răng điện.
Philips đã bán phần lớn tài sản trong những năm gần đây khi hãng này tập trung cho các sản phẩm công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Thông báo của Philips cho biết thương vụ chuyển nhượng mảng thiết bị gia dụng sẽ hoàn tất vào quí 3 năm nay.
Như một phần của thương vụ, Hillhouse Capital sẽ được quyền sử dụng thương hiệu Philips trên các sản phẩm gia dụng được sản xuất bởi quỹ này trong 15 năm tới. Hillhouse Capital đã đồng ý trả 700 triệu euro để được quyền sử dụng thương hiệu Philips trong thời hạn nói trên.
Mảng thiết bị gia dụng của Philips, sản xuất từ máy pha cà phê cho đến máy lọc không khí, máy hút bụi, đạt doanh số 2,2 tỉ euro trên toàn cầu vào năm ngoái.
“Thương vụ này kết thúc các vụ thoái vốn lớn của chúng tôi. Trong tương lai, trọng tâm của chúng tôi là gia tăng sự dẫn đầu của chúng tôi ở mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe và tiếp tục tiến trình chuyển đổi thành một công ty chuyên về các giải pháp hỗ trợ cho các khách hàng chăm sóc y tế chuyên nghiệp”, Giám đốc điều hành Philips, Frans van Houten, nói.
Ông cho biết Philips gật đầu với lời chào mua của Hillhouse Capital vì nhận thấy rằng nhà đầu tư này là địa chỉ thích hợp để phát triển mảng thiết bị gia dụng.
Đơn vị thiết bị gia dụng của Philips sử dụng hơn 7.000 nhân viên và đang hiện diện hơn ở hơn 100 quốc gia. Sau khi chuyển nhượng cho Hillhouse Capital, trụ sở của đơn vị này dự kiến vẫn được đặt tại Hà Lan.
Philips bắt đầu chuyển nhượng tài sản từ đầu thế kỷ 21 để tập trung vào mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Năm 2006, Philips bán mảng chip bán dẫn, rồi tiếp tục bán mảng kinh doanh thiết bị âm thanh và video vào năm 2013.
Năm 2016, Philips tách này tách tiêng mảng kinh doanh thiết bị chiếu sáng và niêm yết cổ phiếu của mảng này trên sàn chứng khoán, rồi bán bớt cổ phần từ đó.
Trong những năm gần đây, Frans van Houten, Giám đốc điều hành Philips đã thực hiện một loạt vụ thâu tóm liên quan đến sức khỏe để xây dựng danh mục đầu tư ở các thiết bị chẩn đoán và khám bệnh từ xa đồng thời trở thành một nhà cung cấp đầy đủ tất cả các sản phẩm và dịch vụ cho các bệnh viện và phòng khám muốn tối ưu hóa chi phí.
Các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân như Hillhouse Capital thường mua các tài sản mà họ tin rằng đang bị định giá thấp, rồi sau đó, cải thiện tìm cách kết quả kinh doanh của chúng trước khi bán lại chúng trong khoảng thời gian thường là 3-5 năm sau khi thâu tóm.
Năm 2019, Hillhouse Capital cũng đã mua 15% cổ phần của hãng điện tử gia dụng Gree Electric Appliances, nhà sản xuất máy điều hòa không khí nổi tiếng của Trung Quốc.
“Chúng tôi nóng lòng hợp lực với Philips để mở rộng vào các thị trường mới và nắm bắt nhiều cơ hôi tăng trưởng hơn trên toàn cầu”, Zhang Lei, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hillhouse Capital, nói.
Câu hỏi đặt ra là liệu thương vụ thâu tóm mảng thiết bị gia dụng của Philips có được Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) chấp thuận hay không. Năm 2016, CFIUS từng chặn thương vụ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm mảng kinh doanh thiết bị chiếu sáng của Philips.
Trung Quốc là quê hương của một loạt nhãn hàng gia dụng khá nổi tiếng bao gồm Gree, Haier, Hisense và Midea.
Trong những năm gần đây, Haier tịch cực thâu tóm tài sản ở nước ngoài, bao gồm thương vụ mua mảng thiết bị gia dụng của General Electric (Mỹ) với giá hơn 5 tỉ đô la vào năm 2016. Hai năm sau đó, Haier mua lại hãng sản xuất máy giặt Candy của Ý với giá 475 triệu euro.
Theo Caixin, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận