Phiên 17/1 chứng khoán châu Á đa phần đi xuống sau báo cáo GDP của Trung Quốc
Chứng khoán châu Á chủ yếu đi xuống trong phiên 17/1, sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong bốn thập kỷ vào năm 2022.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều giảm điểm sau báo cáo kinh tế mới nhất của nước này. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,78% (tương đương 169,08 điểm) xuống 21.577,64 điểm. Tương tự, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,10% (3,35 điểm) xuống 3.224,24 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc đã khép lại chuỗi 9 ngày tăng điểm liên tiếp trong chiều 17/1, khi các nhà đầu tư tiến hành chốt lời sau các đợt phục hồi gần đây. Chỉ số Kospi giảm 0,85% (20,47 điểm) xuống còn 2.379,39 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore và Manila cũng nằm trong vùng giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên 17/1 trong sắc xanh. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo phiên này tăng 1,23% (316,36 điểm) lên 26.138,68 điểm.
Các thị trường Wellington, Taipei, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng đi lên.
Mức tăng trưởng 3% của Trung Quốc là tồi tệ nhất kể từ năm 1976 (không bao gồm năm 2020 do đại dịch COVID-19) và giảm mạnh so với năm trước đó, do các đợt phong tỏa trên diện rộng cùng những chính sách ngăn chặn dịch lây lan khác đã cản trở hoạt động kinh doanh tại nước này.
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn cao hơn mức dự báo 2,7% và kết quả quý IV cũng vượt ước tính, trong khi kết quả khả quan về doanh số bán lẻ giúp nâng đỡ tinh thần của thị trường.
Hiện nhà đầu tư ngày một lạc quan rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của nước này trong năm nay. Đồng thời, sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn suy thoái do lạm phát và lãi suất đều tăng vọt.
Ngoài ra, giới giao dịch cũng đang chờ đợi quyết định chính sách quan trọng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến được công bố vào ngày 18/1. Hồi tháng trước, ngân hàng này đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông báo điều chỉnh chính sách tiền tệ cực lỏng, khiến đồng yen tăng vọt.
BoJ đã kiểm soát chặt chẽ lợi suất trái phiếu trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song ngân hàng trung ương này đã chịu áp lực trong những tháng gần đây khi các quốc gia khác tăng lãi suất để chống lạm phát, từ đó đẩy đồng yen xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Hiện đang có nhiều đồn đoán rằng BoJ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách hoặc phát tín hiệu rằng sẽ thực hiện một sự thay đổi khác.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ tập trung vào các bài phát biểu của giới chức tài chính hàng đầu tại hội nghị Davos hàng năm ở Thụy Sỹ trong tuần này.
Đáng chú ý, những “người khổng lồ” ở Phố Wall bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley sắp công bố báo cáo kinh doanh. Những báo cáo này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cách doanh nghiệp đối phó với tác động của lãi suất cao.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, chỉ số VN - Index tăng 21,61 điểm (2,03%) lên 1.088,29 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 4,27 điểm (2,02%) lên 215,15 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận