Phát hành trái phiếu ngoại tệ: Hiệu ứng chèn lấn vốn có thể xảy ra
Trong bối cảnh cần phải triển khai thêm các gói kích thích kinh tế khổng lồ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, Chính phủ đang có kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước để huy động nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân vào thời gian tới. Liệu kế hoạch này có khả thi?
Có khả thi?
Triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ đang là nhiệm vụ cấp thiết để phục hồi kinh tế hiện nay, đó cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận trong cuộc họp Quốc hội kỳ này.
Nhưng giữa lúc ngân sách vẫn chịu nhiều áp lực do phải căng mình ra chống dịch trong gần hai năm qua, rõ ràng cần phải có những nguồn lực mới để đảm bảo cho mục tiêu này. Một trong những giải pháp được đề xuất mới đây là đề án phát hành công trái ngoại tệ để huy động lượng đô la Mỹ đang nhàn rỗi trong dân cư, vốn được cho là đã tích lũy khá lớn trong nhiều năm qua(*).
Tuy nhiên, ngoài mục tiêu trên, có lẽ nhà điều hành cũng đang muốn tận dụng thời điểm thuận lợi hiện nay để cơ cấu lại các khoản vay ngoại tệ của Chính phủ với kỳ hạn tốt hơn và lãi suất thấp hơn. Ngoài hai khoản vay 750 triệu đô la Mỹ phát hành vào năm 2005 và 1 tỉ đô la Mỹ phát hành vào năm 2010 đã đáo hạn, hiện Việt Nam còn hai khoản vay là 1 tỉ đô la Mỹ phát hành vào năm 2014 và 1 tỉ đô la Mỹ phát hành vào năm 2015, đều ở mức lãi suất 4,8% cho kỳ hạn 10 năm.
Như vậy, trong vòng ba năm tới, 2 tỉ đô la Mỹ trái phiếu nói trên sẽ đáo hạn, vì vậy việc chuẩn bị sẵn nguồn vay ngoại tệ mới ngay từ lúc này có lẽ là phù hợp, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang được xem là ở vùng đáy như hiện nay. Đặc biệt, từ năm 2022 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trở lại, theo đó cũng sẽ tác động lên lãi suất đô la Mỹ trên toàn cầu.
Mức lãi suất phát hành trái phiếu đô la Mỹ trong nước thời gian tới nếu có dĩ nhiên sẽ cao hơn mức lãi suất tiền gửi 0% nhưng cũng sẽ không vượt quá mức 4,8%/năm mà Chính phủ đang huy động ở nước ngoài. Nếu nhìn vào lãi suất trái phiếu tiền đồng kỳ hạn 10 năm hiện nay từ 2-2,5%/năm, có lẽ con số này khó có thể vượt quá 2%/năm.
Dù theo kế hoạch Việt Nam sẽ huy động trực tiếp từ nguồn lực trong nước, bằng cách thu hút nguồn tiền gửi đô la Mỹ tại các ngân hàng vốn đã bị áp trần lãi suất 0% từ năm 2015, do đó kỳ vọng sẽ dễ thành công hơn, nhưng rõ ràng nếu lãi suất đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đi lên trong tương lai, việc huy động ngay từ lúc này có lẽ sẽ thuận lợi hơn.
Theo đó, mức lãi suất phát hành trái phiếu đô la Mỹ trong nước thời gian tới nếu có dĩ nhiên sẽ cao hơn mức lãi suất tiền gửi 0% nhưng cũng sẽ không vượt quá mức 4,8%/năm. Nếu nhìn vào lãi suất trái phiếu tiền đồng kỳ hạn 10 năm hiện nay cũng chỉ từ 2-2,5%/năm, có lẽ trái phiếu đô la Mỹ phát hành trong nước cũng khó có thể vượt quá 2%/năm.
Cũng cần lưu ý rằng bất chấp trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ đã duy trì ở mức 0% trong suốt sáu năm qua, vẫn còn một lượng tiền gửi đô la Mỹ nằm tại các ngân hàng, cho thấy những người gửi tiền này không quan tâm quá nhiều đến lãi suất mà đang xem đô la Mỹ như là một tài sản dự trữ như vàng, chống lại sự mất giá của đồng nội tệ và sức mua bị bào mòn bởi lạm phát. Do đó trái phiếu ngoại tệ có lãi suất chưa chắc đã thu hút được những đối tượng này, mà điều quan trọng hơn là niềm tin vào tính chắc chắn.
Một điểm trở ngại khác là thị trường trái phiếu chính phủ trước giờ chỉ dành cho nhà đầu tư tổ chức, nên có lẽ nhiều khách hàng cá nhân còn e dè khi tham gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số ngân hàng đã triển khai các hoạt động mua bán lẻ trái phiếu chính phủ dành cho khách hàng cá nhân. Do đó, nếu các đợt phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước diễn ra trong thời gian tới, khả năng người dân có thể mua lại thông qua các tổ chức này.
Có thể nói, nếu kế hoạch phát hành này thành công sẽ giúp Chính phủ Việt Nam mở thêm kênh huy động vốn ngoại tệ trong tương lai, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc vay vốn ngoại tệ từ quốc tế, cũng như nếu cần phải phát hành thêm trái phiếu ngoại tệ ra thị trường quốc tế thì sẽ thuận lợi hơn.
Lần gần đây nhất Việt Nam phát hành thành công trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước là vào năm 2015, với Vietcombank – ngân hàng có nguồn vốn ngoại tệ dồi dào, là đối tượng mua duy nhất (khoản trái phiếu 1 tỉ đô la Mỹ).
Những ảnh hưởng
Theo giới phân tích, khi Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động nguồn lực từ dân cư, hiệu ứng chèn lấn vốn có thể xảy ra. Với tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 9 vừa qua theo chia sẻ gần đây ở mức 7,65%, xấp xỉ 42 tỉ đô la Mỹ, trong đó tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ dân cư chỉ còn 1,14%, tức chỉ ở mức 6,2 tỉ đô la Mỹ, khi một lượng vốn này chảy sang thị trường trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng sẽ bị co hẹp là tất yếu và do đó các doanh nghiệp khi vay ngoại tệ sẽ đối mặt với khả năng lãi suất tăng lên.
Thực tế là với nguồn tiền gửi ngoại tệ hiện nay, các ngân hàng vẫn đang sử dụng cho vay ra với lãi suất khá thấp đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, nên không thể nói đây là nguồn vốn chết mà phải cần đến sự huy động của Chính phủ để hướng vào các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi Chính phủ cạnh tranh dòng vốn ngoại tệ này với các doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng chưa chắc đã tối ưu hơn.
Dĩ nhiên vẫn có khả năng một bộ phận dân cư tích trữ ngoại tệ tại nhà chứ không để tại ngân hàng. Nếu trái phiếu ngoại tệ có thể thu hút được lượng vốn này thì mới được xem là thành công, vì giúp khai thông một nguồn vốn thật sự nhàn rỗi trở thành một nguồn lực quan trọng đưa vào vận hành trong nền kinh tế.
Nỗi lo ngại thứ hai là khi Nhà nước huy động qua phát hành trái phiếu ngoại tệ, có thể làm chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng bị thu hẹp, cũng như khiến cung ngoại tệ trên thị trường giảm bớt, từ đó gây thêm áp lực lên tỷ giá và gia tăng tình trạng đô la hóa trở lại. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy dù Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng ngoại tệ, nhưng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn nằm trong tầm kiểm soát ổn định.
Cũng cần biết rằng lượng ngoại tệ huy động được này sẽ không phải để nằm yên như dự trữ ngoại hối, mà nhà điều hành phải chi tiêu để kích thích kinh tế phục hồi. Do đó, lượng vốn ngoại tệ này sẽ sớm chảy ra thị trường trở lại dưới hình thức các hoạt động đầu tư, mua sắm của Chính phủ, từ đó giúp nguồn cung ngoại tệ sẽ không bị thiếu hụt như lo ngại.
Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ ở hoạt động thương mại, đầu tư và kiều hối. Thống kê cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong hai tháng gần đây. Bên cạnh đó, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các hoạt động du học, du lịch và khám chữa bệnh quốc tế đã bị chững lại, do đó Việt Nam cũng đã giữ lại được một lượng lớn ngoại tệ trong nước.
(*) https://tuoitre.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-co-de-an-phat-hanh-cong-trai-huy-dong-ngoai-te-trong-nuoc-20211029185148049.htm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận